Eximbank “ngụp lặn” trong nợ xấu tại VAMC

Theo BCTC quý I/2019 của Eximbank, ngân hàng này còn 5.462 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 2.129 tỷ đồng.
Eximbank “ngụp lặn” trong nợ xấu tại VAMC

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính qúy I/2019 với lợi nhuận trước thuế sụt giảm 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 350 tỷ đồng dù được hoàn nhập gần 7 tỷ đồng chi phí dự phòng.

Sự sụt giảm lợi nhuận này chủ yếu đến từ chênh lệch ở khoản mục thu nhập góp vốn mua cổ phần. Cụ thể, trong quý I/2018, ngân hàng có khoản thu đột biến hơn 500 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Sacombank, trong khi quý I năm nay thu nhập từ góp vốn mua cổ phần chỉ đạt 1,5 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của Eximbank đạt 150.715 tỷ đồng, giảm 1,3% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,9% xuống mức 99.944 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 2,8% đạt 122.019 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng kém khả quan hơn, có lãi đạt 23 tỷ, giảm 60% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác giảm 19%, chỉ đạt 38 tỷ đồng.

Trong khi đó, thu nhập lãi thuần tăng 24,3% đạt 829 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ có lãi 79 tỷ, tương đương với mức cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán có lãi 46 tỷ, trong khi cùng kỳ bị lỗ 24 tỷ.

Chi phí hoạt động tăng nhẹ 6,1% lên mức 674 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank đạt 343 tỷ, giảm 51,8%.

Kết thúc quý I, nợ xấu của Eximbank ghi nhận 1.895 tỷ đồng, giảm 25 tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên, do tổng dư nợ cho vay sụt giảm nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng vẫn tăng từ mức 1,85% lên 1,88%.

Ngoài ra, Eximbank cũng còn 5.462 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 2.129 tỷ đồng.

Năm 2019, ngân hàng dự kiến tổng tài sản 18,6% đạt hơn 181 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 21% và dư nợ cấp tín dụng tăng 11%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%. 

Ngân hàng đặt 2 mục tiêu về lợi nhuận, trong đó lợi nhuận trước khi phải trích lập bổ sung dự phòng trái phiếu VAMC là 2.000 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế là 1.077 tỷ.

Trước đó trong năm 2018 ngân hàng đã phải điều chỉnh giảm gần một nửa lợi nhuận như trong báo cáo tài chính 2018 chưa kiểm toán, từ mức 1.737 tỷ về 827 tỷ do phải trích lập dự phòng rủi ro bổ sung.

Từng là một ngân hàng nằm trong top đầu nhóm thương mại cổ phần tư nhân nhưng nhiều năm gần đây tình hình kinh doanh của Eximbank lại có xu hướng thụt lùi. Theo giới quan sát, sự trì trệ này của ngân hàng một phần đến từ sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn và nội bộ HĐQT.

Trong một diễn biến mới đây, Eximbank đã không thể tổ chức đại hội cổ đông theo kế hoạch do chỉ có hơn 57% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự, không đủ túc số theo quy định.

Như Thương Gia đã đưa tin, từ tháng 2/2019 vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank cũng như các nhóm cổ đông lớn không có sự đồng thuận lại tiếp tục nhận được sự quan tâm của thị trường tài chính.

Cụ thể, chiếc ghế nóng chủ tịch HĐQT của ngân hàng bị đổi chủ nhưng sau đó lại bất thành do tòa án có phán quyết dừng khẩn cấp tạm thời đối với việc thay đổi chủ tịch sau khi ông chủ tịch cũ là Lê Minh Quốc có đơn kiện. Ông Quốc cho rằng việc thay đổi chủ tịch HĐQT và việc HĐQT thành lập Uỷ ban độc lập là sai quy định.

Sau đó, được biết các thành viên trong Hội đồng quản trị của ngân hàng này đã có vài lần yêu cầu ông Lê Minh Quốc triệu tập cuộc họp về các vấn đề liên quan đến nội bộ Hội đồng quản trị, nhưng ông Quốc không triệu tập theo quy định.

Nhóm cổ đông lớn nhất của ngân hàng là SMBC của Nhật đã có công văn kiến nghị ông Quốc về việc "Uỷ ban độc lập thuộc HĐQT đã nhận định được một số vấn đề tồn tại và đưa ra các kiến nghị khắc phục nhằm gia tăng hiệu quả quản trị tại Eximbank. Các vấn đề đã được nhận định và kiến nghị khắc phục cần thông tin tới tất cả các cổ đông để cổ đông đóng góp và ý kiến", và SMBC cũng yêu cầu HĐQT đưa vào chương trình nghị sự của đại hội cổ đông để tất cả các cổ đông bỏ phiếu tín nhiệm hoặc không tín nhiệm với các thành viên HĐQT. Tuy nhiên ông Quốc đã từ chối các yêu cầu này.

Ngay sau đó, phía Ban kiểm soát của Eximbank đã có báo cáo lên cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước. Văn bản nêu rõ, việc ông Quốc tự ý trả lời 9 thành viên Hội đồng quản trị và toàn bộ Ban kiểm soát về việc không đưa nội dung mà SMBC đề nghị đưa vào chương trình nghị sự đại hội, mà không lấy ý kiến các thành viên HĐQT là sai quy định.

>> Số phận long đong của dự án trụ sở Eximbank

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...