Samsung đang gặp khó trên thị trường smartphone tầm trung, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc khi các hãng nội địa nước này ngày càng bành trướng. Không ngạc nhiên khi thị phần của Samsung từng có lúc chiếm tới 20% cách đây vài năm nhưng nay chỉ còn chiếm chưa đầy 1%.
Theo thống kê gần đây nhất của hãng phân tích Strategy Analytics, Samsung chỉ chiếm 0,8% trong Q2/2018 tại thị trường Trung Quốc, qua đó trượt dài khỏi top 10 nhà sản xuất smartphone tại thị trường đông dân nhất thế giới.
Sự sụt giảm nghiêm trọng này là hậu quả từ cả quá trình dài Samsung sao nhãng thị trường Trung Quốc và không đánh giá đúng sức mạnh của các đối thủ. Chỉ đến khi các thương hiệu như Xiaomi, Oppo hay Vivo nổi lên trên phân khúc smartphone giá rẻ và tầm trung, Samsung mới hẫng chân và không kịp trở mình.
Đứng trước tình thế khó khăn, Samsung đã cải tổ lại chi nhánh tại thị trường Trung Quốc hồi đầu năm nay và đang bắt bắt tay vào kế hoạch mới nhằm vực dậy mảng kinh doanh smartphone.
Tập trung đánh vào phân khúc tầm trung và giá rẻ với những chiếc máy "chất" hơn
Tại thị trường Trung Quốc hiện nay, Samsung hiện chỉ còn biết trông đợi vào màn thể hiện của dòng smartphone cao cấp Galaxy S và Galaxy Note. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào dòng cao cấp thì Samsung khó có cửa cạnh tranh được với Apple hay cả các hãng Trung Quốc đang dần lấn sân sang phân khúc cao cấp.
Ví dụ như công nghệ cảm biến vân tay trong màn hình hay 3 camera sau,… đều đã xuất hiện trên các model smartphone Android cao cấp của Huawei hay Xiaomi từ khá sớm, trong khi người dùng sẽ phải chờ đợi điều này trên thế hệ Galaxy S10 ra mắt vào đầu năm 2019.
Chính bởi vậy, việc đánh xuống phân khúc thấp hơn là giá rẻ và tầm trung cận cao cấp sẽ là chiến lược phù hợp hơn với Samsung trong lúc này. Nhưng ngay cả khi tấn công xuống phân khúc thấp hơn cũng không phải chuyện đơn giản. Phân khúc giá rẻ và tầm trung có thể coi là cuộc chơi cam go và quyết liệt nhất hiện nay.
Theo Sammobile, mỗi hãng đều có cho mình một chiến lược để thu hút khách hàng. Người cố gắng "cắn răng" chịu lỗ để có được mức giá tốt nhất, người đưa vào những chất liệu, màu sắc cuốn hút như gradient. Còn Samsung có gì? Nếu như trước kia, Samsung không mấy chú trọng vào cấu hình, tính năng của dòng giá rẻ và tầm trung thì đến nay, hãng đã buộc phải thay đổi quan niệm để phù hợp với thị hiếu.
Đơn cử như model Galaxy A8s ra mắt hồi đầu tháng 12 này. Chiếc máy này nổi bật nhờ danh xưng là chiếc smartphone đầu tiên có "nốt ruồi" trong làng smartphone. Ngoài ra gần đây, Samsung cũng tung ra hai model Galaxy A7 (2018) và Galaxy A9 (2018) với đặc điểm nổi bật là cụm 3 camera và 4 camera sau.
Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc tại sao Samsung lai liều lĩnh đưa vào những tính năng hấp dẫn như vậy lên dòng tầm trung? Đây có phải là bước đi "tự sát"? Không hề. Samsung đang có một chiến lược rõ ràng hơn nhiều việc chỉ đánh vào thiết kế trẻ trung, camera selfie nhiều chấm như trước kia.
Việc đưa vào những công nghệ tiên tiến, thậm chí lần đầu có mặt trên dòng tầm trung trước cả các model cao cấp cho thấy Samsung rất nghiêm túc với chiến lược mới. Trong mắt giới chuyên môn, Samsung rõ ràng đang muốn ghi điểm trong mắt người dùng bằng cách nhấn mạnh vào các yếu tố như "đầu tiên" "duy nhất" trên thị trường.
Hơn nữa, những tính năng hấp dẫn như vậy lại xuất hiện trên một chiếc smartphone tầm trung. Điều này chắc chắn sẽ kích thích sự ham muốn của khách hàng và mong muốn được trải nghiệm công nghệ mới với mức giá dễ chịu hơn. Đó là chưa kể việc thử nghiệm các tính năng mới trên dòng tầm trung cũng là một cách để đánh giá phản hồi của thị trường trước khi áp dụng lên dòng cao cấp.
Phải có điểm nhấn và những thông số quan trọng để khách hàng có cơ sở ghi nhớ
Quay trở lại với câu chuyện của Galaxy M20. Theo rò rỉ, máy sẽ có màn hình giọt nước, chip tầm trung Exynos 7885, camera kép 13MP+5MP và viên pin lên tới 5.000mAh. Theo dự đoán, dòng Galaxy M sẽ lên kệ tại các thị trường Châu Á, Trung Đông và Châu Phi. Có thể thấy, Samsung sẽ đánh vào yếu tố như dung lượng pin lớn và màn hình có thiết kế mới trên dòng Galaxy M để thu hút khách hàng.
Có vẻ Samsung đã ngộ ra được một điều rằng, hành vi của người tiêu dùng rất quan trọng. Việc tìm hiểu được nó sẽ góp phần giúp hãng nắm được tâm lý khách hàng.
Với những chuyên gia trong ngành hoặc những người có hiểu biết về công nghệ, họ biết rằng thực tế khác xa những con số mà các hãng khoe với người dùng. Cụ thể, nhiều RAM hơn không đồng nghĩa với hiệu suất mượt mà nhất hay camera nhiều chấm không phải yếu tố then chốt quyết định chất lượng ảnh. Tuy nhiên đó là với góc nhìn của người thông thạo.
Nhưng còn phần lớn người dùng, họ sẽ cần một con số, một điểm nhấn để họ vin vào trước khi đưa ra quyết định có mua sản phẩm đó hay không. Phải công nhận một điều rằng, các hãng Trung Quốc đã nắm rất chắc tâm lý này của khách hàng và luôn làm nổi bật những yếu tố như camera số chấm lớn hay RAM khủng để kích thích người mua.
Đối với Galaxy M cũng vậy. Chẳng cần phải khoe khoang quá nhiều về các tính năng phần mềm, chip xử lý,… Samsung hoàn toàn có thể đánh vào tâm lý thích smartphone pin trâu để chơi game, xem phim của khách hàng để quảng bá và hút doanh số cho dòng Galaxy M.
Nhưng tất nhiên việc Galaxy M có giúp "vực dậy" lại được mảng kinh doanh smartphone, đặc biệt là phân khúc giá rẻ, tầm trung hay không còn phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố khác như giá bán, sự đón nhận của khách hàng,… Nếu tính năng và giá cả đủ thu hút, việc khách hàng quay trở lại với Samsung là điều có thể xảy ra.
Theo Tiến Thanh/Vnreview