Sáng 25/4 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin giao dịch quanh vùng 93.000 USD, giảm nhẹ 0,7% trong 24 giờ qua. Với nhóm altcoin, Ether mất 1,42% thành 1.751 USD, trong khi XRP và BNB lần lượt giảm 1,26% và 1,04%.
Ngược lại, nhóm memecoin lại ghi nhận tín hiệu tốt, với Dogecoin tăng 5% còn đồng TRUMP “vọt” hơn 30%.
Vốn hóa thị trường tiền điện tử toàn cầu hiện đạt 2,92 nghìn tỷ USD, với tổng khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua là 93,25 tỷ USD.

Vào giữa tuần, giá Bitcoin, đồng tiền số giá trị nhất thế giới, đã bật tăng gần 7% lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại những lời đe doạ trước đó nhằm vào Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và cho thấy lập trường mềm mỏng hơn về thuế quan với Trung Quốc, một sự thay đổi giúp “thổi bùng” khẩu vị rủi ro trên toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng góp phần củng cố tâm lý tích cực cho ngành tiền số khi gọi các mức thuế hiện tại là không bền vững và ngỏ ý rằng chính quyền Trump sẵn sàng đàm phán với các đối tác.
Bên cạnh đó, việc ông Paul Atkins nhậm chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng đã kích thích đà tăng trên thị trường tiền số. Tuy nhiên, có vẻ như tâm lý lạc quan đã không duy trì được lâu.
Về mặt kỹ thuật, diễn biến giá Bitcoin cho thấy bức tranh phức tạp hơn. Xét theo các đường trung bình động, Bitcoin vẫn duy trì xu hướng tăng. Tất cả các đường trung bình hàm mũ (EMA) và trung bình đơn giản (SMA) từ 10 đến 200 phiên đều cho tín hiệu tích cực.
Nhưng trên biểu đồ 4 giờ cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn, khi hình thành mô hình đỉnh tròn và các đỉnh sau thấp dần, một dấu hiệu chỉ ra xu hướng phân phối.
Nếu Bitcoin không giữ được mức hỗ trợ 91.700 USD, đà giảm có thể mở rộng về vùng 88.000 USD, thậm chí là 85.000 USD, trùng với các mức điều chỉnh Fibonacci quan trọng.
Bên cạnh đó, biến động trong chính sách thương mại toàn cầu cũng có thể tạo ra các cú sốc bất ngờ. Bởi lẽ, đà tăng gần đây của Bitcoin trùng với thay đổi lập trường một cách tích cực từ các chính phủ, nhưng nếu những tín hiệu này đảo chiều, thị trường có thể biến động mạnh.
Trong một thông tin đáng chú ý khác, nhiều đầu tư Thụy Sĩ đang thúc giục Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đưa Bitcoin vào kho dự trữ quốc gia. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và lo ngại lạm phát ngày càng tăng, họ cho rằng Bitcoin có thể là một “lá chắn” trước các rủi ro của tiền pháp định truyền thống.
“Dự trữ Bitcoin là điều hợp lý khi thế giới đang chuyển sang trật tự đa cực, trong đó đồng USD và Euro đang suy yếu”, ông Luzius Meisser, thành viên hội đồng quản trị tại Bitcoin Suisse chia sẻ với Reuters.
Một nỗ lực tiến hành trưng cầu dân ý để đưa Bitcoin vào dự trữ quốc gia cũng đang được xúc tiến. Thụy Sĩ đã trở thành trung tâm hàng đầu cho đổi mới blockchain, với các dự án như Ethereum bắt nguồn từ thị trấn Zug, còn được gọi là “Thung lũng Tiền mã hoá”. Một nghiên cứu gần đây từ Đại học Lucerne cho thấy 11% người dân Thụy Sĩ đã đầu tư vào tài sản kỹ thuật số.
Tuy vậy, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ vẫn tỏ ra thận trọng với Bitcoin do còn nhiều lo ngại về tính biến động, thanh khoản và rủi ro bảo mật.