Tại phiên giao dịch hôm nay (14/7 giờ Việt Nam), giá Bitcoin (mã BTC) theo ghi nhận của CoinMarketCap điều chỉnh về quanh 31.400 USD, tăng 3,6% trong vòng 24 giờ và cao hơn 52% so với đầu năm 2023. Đồng tiền điện tử vốn hóa lớn thứ hai Ethereum (mã ETH) cũng tăng 7,78% để cán mốc 2.000 USD.
Trong 24 giờ, giá Binance (mã BNB) tăng 5,37% lên 256,34 USD; Cardano (mã ADA) tăng 25,47% lên 0,36 USD; Solana (mã SOL) tăng 34,81% còn 29,18 USD; Polygon (mã MATIC) tăng 19,39% lên 0,86 USD. Riêng Ripple (XRP) tăng vọt 60% lên 0,75 USD.
Với diễn biến trên, vốn hóa thị trường tiền điện tử toàn cầu hiện là 1,26 nghìn tỷ USD, tăng 6,63% trong một ngày qua. Tổng khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua khoảng 64 tỷ USD.
Hôm qua (13/7), Ripple Labs đã giành chiến thắng trước Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) tại phiên xét xử của Tòa án quận phía Nam New York. Theo Reuters, Thẩm phán Analisa Torres đã đưa ra phán quyết tóm tắt có lợi cho Ripple khi tuyên bố mã thông báo XRP không phải là chứng khoán như cáo buộc của SEC.
Giám đốc điều hành Ripple Brad Garlinghouse đã gọi phán quyết này là chiến thắng to lớn cho Ripple nói riêng và toàn bộ ngành công nghiệp tiền điện tử tại Mỹ nói chung.
Thắng lợi đầu tiên của ngành công nghiệp tiền điện tử trong cuộc chiến pháp lý với SEC đã làm được điều mà tín hiệu lạm phát tích cực không thể thực hiện. Đó là đẩy giá Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác cao hơn đáng kể. Chỉ sau vài giờ, sắc xanh đã quay trở lại thị trường tiền điện tử với nhiều Altcoin (tiền điện tử thay thế Bitcoin) tăng trưởng hai chữ số.
“Phán quyết trong vụ kiện Ripple rất quan trọng vì nó đưa giao dịch thứ cấp của các token tiện ích ra khỏi phạm vi quyền hạn của SEC, trong khi vẫn giữ quyền hạn của Ripple đối với việc gây quỹ cho tổ chức. Đây là tín hiệu rất tốt cho các sàn giao dịch tiền điện tử và nhà đầu tư liên quan đến nhiều loại token được SEC điểm tên trong vụ kiện Coinbase và Binance”, Giám đốc điều hành CoinRoutes Dave Weisberger nhận định.
Token tiện ích (Utility Token) được tạo ra nhằm cung cấp các tiện ích cho người tham gia dự án tiền điện tử như cấp quyền truy cập tới hệ sinh thái dịch vụ, thanh toán trong mạng lưới và tạo động lực phát triển. Khác với token chứng khoán (Security Token), token tiện ích không được coi là hình thức đầu tư ràng buộc cho phép người nắm giữ nhận lợi tức từ doanh thu của dự án hoặc có tiếng nói trong quá trình ra quyết định kinh doanh.
Vụ kiện chống lại Ripple đã diễn ra kể từ cuối năm 2020, khi SEC kiện Ripple cùng bộ đôi Giám đốc điều hành Brad Garlinghouse và Chris Larsen vì chào bán sản phẩm chứng khoán không đăng ký. Mục tiêu của SEC là buộc Ripple ngừng cung cấp XRP, đồng thời siết chặt quy định bảo vệ nhà đầu tư.
Trong vòng ba năm qua, vụ kiện giữa SEC và Ripple thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng tiền điện tử, tạo ra làn sóng phản đối quan điểm của SEC rằng phần lớn token tiền điện tử là chứng khoán. Ngoài Ripple, cơ quan này đã liệt kê nhiều token khác nhau như ADA, SOL, MATIC… là chứng khoán.
Ông Dave Weisberger tin rằng chiến thắng của Ripple sẽ làm giảm bớt áp lực cho XPR, đồng thời tạo tiền đề để SEC và Coinbase giải quyết bất đồng một cách tích cực, qua đó tiếp thêm động lực cho thị trường.
Giám đốc điều hành BitBull Joe Dipasquale cũng lạc quan về triển vọng của thị trường tiền điện tử. Ông trông chờ màn ra mắt sớm của quỹ hoán đổi danh mục giao ngay Bitcoin ETF của các công ty tài chính truyền thống lớn như BlackRock và Fidelity.
“Tại thời điểm này, các quỹ Bitcoin ETF đang có triển vọng đầy hứa hẹn. Sẽ rất ngạc nhiên nếu BTC hoặc các đồng tiền điện tử lớn khác quay lại mức thấp gần đây trong thời gian ngắn. Tôi đã nói chuyện với nhà đầu tư quỹ tiền điện tử. Họ rất hào hứng với sự rõ ràng về pháp lý mà phán quyết trong vụ kiện Ripple đã mang lại”, ông Joe Dipasquale nói thêm.