Giá Bitcoin rơi khỏi mốc 31.000 USD

Các chuyên gia trong ngành cho rằng khối lượng giao dịch và tiềm lực mua trên sàn chưa phục hồi khiến giá Bitcoin khó duy trì đà tăng bền vững.
Giá Bitcoin rơi khỏi mốc 31.000 USD

Tại phiên giao dịch hôm nay (5/7 theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin (mã BTC) theo ghi nhận của CoinMarketCap điều chỉnh về 30.800 USD, giảm 1,4% trong vòng 24 giờ. Đồng tiền điện tử vốn hóa lớn thứ hai Ethereum (mã ETH) giảm 0,76% xuống 1.950 USD.

Tương tự Bitcoin, hầu hết các Altcoin (tiền điện tử thay thế Bitcoin) vốn hóa lớn đều đứt gãy đà tăng. Trong 24 giờ qua, Binance (mã BNB) giảm 1,19% còn 243 USD; Cardano (mã ADA) giảm 1,33% còn 0,294 USD; Polygon (mã MATIC) giảm 1,14% còn 0,7 USD; Solana (mã SOL) giảm 0,7% còn 19,26 USD.

Với diễn biến trên, vốn hóa thị trường tiền điện tử toàn cầu hiện đạt 1.210 tỷ USD. Tổng khối lượng giao dịch tiền điện tử trên thị trường là 27,2 tỷ USD.

Giá Bitcoin
Giá Bitcoin ngày 5/7 (Nguồn: CoinMarketCap)

Tâm lý nhà đầu tư gần đây đã được cải thiện khi giá Bitcoin đẩy lên mức cao nhất năm nhờ làn sóng đầu tư từ các công ty tài chính truyền thống

Kể từ khi đề xuất thành lập quỹ Bitcoin ETF của BlackRock, Fidelity và một số cái tên khác được công bố giữa tháng 6/2023, đồng tiền điện tử biểu tượng đã phải vật lộn để duy trì ngưỡng hỗ trợ mới, đồng thời cố gắng chinh phục mốc cao hơn.

Dữ liệu phân tích On-chain của Kaiko chỉ ra, quý 2/2023 là quý ảm đạm nhất của thị trường tiền điện tử kể từ quý 4/2020. Dẫu vậy, cả BTC và Altcoin phục hồi ít nhiều giá trị trong khoảng thời gian này.

Nhìn lại dữ liệu năm 2020, dù không thể so sánh với quý 2/2023 về khối lượng song từng quý đều có sự tăng trưởng đáng kể. Khối lượng giao dịch quý 3/2020 có phần cao hơn quý trước được đánh giá là tín hiệu cho thấy thị trường đang trở nên sôi động trở lại.

Giá Bitcoin
Khối lượng giao dịch tiền điện tử hàng quý kể từ quý 2/2020 (Nguồn: Kaiko)

Khối lượng giao dịch càng thấp, tâm lý hào hứng mua và bán càng giảm. Nếu khối lượng giao dịch trong quý tới tiếp tục giảm mà giá Bitcoin vẫn tăng thì đà tăng sẽ không bền vững vì thanh khoản mỏng.

Giám đốc điều hành CryptoQuant Ki Young Ju đồng tình với quan điểm cho rằng lượng dự trữ Bitcoin trên các sàn giao dịch thấp có thể tạo ra sự khan hiếm và khiến người mua sau phải trả giá cao hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng đó mới chỉ là một nửa sự thật.

Nếu BTC đứng trước áp lực bán, thì lượng Stablecoin có sẵn trên sàn phải thể hiện tiềm lực mua. Kể từ năm 2022 đến nay, lượng Stablecoin trên sàn đang ở mức thấp nhất. Dù đã phục hồi nhẹ trong tháng qua, nhưng vẫn không đáng kể so với đà suy giảm hơn một năm qua.

Giá Bitcoin
Tổng số dư Bitcoin trên các sàn giao dịch trong một năm qua (Nguồn: CryptoQuant)

Trong bài đăng trên Twitter cá nhân hôm qua (4/7), ông Ki Young Ju nhấn mạnh số dư BTC trên các sàn giảm 20% trong một năm. Tương tự, dự trữ ETH giảm 40% và Stablecoin (tiền điện tử ổn định) giảm 52%. Như vậy, lực mua tiềm năng còn giảm mạnh hơn lực bán.

Tất cả dữ liệu trên kết hợp với khối lượng giao dịch trong quý 2/2023 vẫn chưa phục hồi giải thích vì sao thị trường chưa thể chứng kiến đợt tăng giá mạnh của BTC.

Có thể bạn quan tâm