Theo quyết định, Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các Sở, ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ đạo của UBND thành phố xử lý sau thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp công ích, đất công thuộc trách nhiệm của UBND quận, huyện và UBND các phường, xã, thị trấn trên địa bàn các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn.
Nội dung kiểm tra gồm: Kiểm tra kết quả thực hiện việc xử lý, khắc phục các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công đối với UBND các quận, huyện và UBND các phường, xã, thị trấn thuộc các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn theo kết luận thanh tra và chỉ đạo xử lý sau thanh tra của UBND thành phố.
Thời gian kiểm tra là 20 ngày kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra đến đối tượng kiểm tra.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, kết quả giám sát sau 5 năm (2013-2018) cho thấy, tính đến nay, việc tuân thủ quy hoạch đô thị và chấp hành pháp luật về đất đai đã có chuyển biến. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế cho thấy một số tổ chức, cá nhân chưa chấp hành tốt quy định của pháp luật như chậm triển khai dự án; tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng diễn biến phức tạp nhưng chậm được xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Điển hình như dự án 8B Lê Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội, có phần công trình cao tầng sai phạm so với giấy phép xây dựng (không xây dựng giật cấp để tăng diện tích sàn xây dựng; tự ý tăng chiều cao các tầng); một số khu vực như Đầm Bông, Đầm Sòi (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) trong quy hoạch xác định là đất cây xanh nhưng hiện tồn tại các khu dân cư...
Bên cạnh đó, việc xây dựng công trình cao tầng có xu hướng co cụm tập trung vào khu vực trung tâm các đô thị cũng diễn ra tại Hà Nội. Tỷ trọng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lên tới 80%, trong khi đó, chưa kết hợp đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Việc điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mặc dù góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và nhu cầu nhà ở cho người dân, tuy nhiên, lại dẫn đến gia tăng số căn hộ tại các dự án, gián tiếp làm gia tăng dân số, gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của địa phương.
Đáng chú ý hơn cả, Hà Nội cũng là thành phố điển hình về tồn tại trong việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn chậm và thiếu đồng bộ, thiếu kết nối bên trong và bên ngoài các dự án phát triển nhà ở, dịch vụ, gây quá tải, ách tắc giao thông, ảnh hưởng tới hoạt động của đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân.
Cụ thể, tại TP Hà Nội, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 9%, trong khi theo quy hoạch phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với đô thị vệ tinh, 16-20% cho các thị trấn, tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị đạt dưới 1% (yêu cầu phải đạt 3-4%).