Hà Nội muốn hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao

Hiện, Hà Nội đang tập trung quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, phấn đấu thực hiện giải ngân 100% kế hoạch đã giao.
Hà Nội muốn hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, Trong tháng 5/2020, Thành phố đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch đầu tư năm 2020 (đợt 1) của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ; Ban hành Chương trình hành động số 144/Ctr-UBND ngày 15/7/2020 thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Đồng thời giao các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định và ủy quyền phê duyệt một số thủ tục về quản lý chi phí đầu tư xây dựng của dự án để tháo gỡ khó khăn khi triển khai thực hiện Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ.

Kế hoạch vốn đầu tư Thủ tướng Chính phủ giao TP. Hà Nội năm 2020 là 40.671,4 tỷ đồng. Thành phố đã giao kế hoạch là 45.568 tỷ đồng, cao hơn Trung ương giao là hơn 4.800 tỷ đồng. Trong đó: Tổng chi đầu tư phát triển cấp Thành phố là 28.754 tỷ đồng (gồm chi đầu tư công: 21.904 tỷ đồng và chi đầu tư phát triển khác: 6.850 tỷ đồng); ngân sách cấp huyện là: 16.814 tỷ đồng.

Đến ngày 30/6/2020, Thành phố giải ngân được 12.512 tỷ đồng, đạt 27,9% kế hoạch Thành phố giao đầu năm và đạt 30,8% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn so với mức cùng kỳ năm 2019 (30/6/2019) là 19,2%.

Đến hết ngày 15/7/2020, toàn Thành phố đã giải ngân được 13.277 tỷ đồng, đạt 29,56% kế hoạch Thành phố giao và đạt 32,6% kế hoạch Thủ tướng giao.

Về tình hình thực hiện kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020, đến hết ngày 15/7/2020, toàn Thành phố giải ngân được 972 tỷ đồng, đạt 17,6% kế hoạch vốn kéo dài (5.537 tỷ đồng)

Theo UBND thành phố Hà Nội, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của Thành phố trong 6 tháng đầu năm 2020 là do từ tháng 3 đến đầu tháng 5, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.

Bên cạnh đó còn có một vài nguyên nhân khác do công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách xác định nguồn gốc đất; một số dự án còn tình trạng người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù làm chậm quá trình thi công dự án.Theo Quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư và xây dựng nên phát sinh thêm thủ tục và thời gian giải quyết, triển khai một số thủ tục đầu tư xây dựng của dự án.

Một số dự án ODA còn gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án, ký hợp đồng vay lại với Bộ Tài chính liên quan đến thực hiện quy định tài sản đảm bảo.

Một trong những nguyên nhân khác là vướng mắc về việc ghi thu chi đối với các dự án BT trong trường hợp chưa quyết toán dự án BT do Nghị định số 69/2019/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về cơ sở pháp lý, hồ sơ tài liệu cần đảm bảo để cơ quan tài chính thực hiện hạch toán ghi thu ghi chi trong trường hợp chưa phê duyệt quyết toán.

Một số chủ đầu tư chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng của một số dự án mới; trình độ năng lực, kinh nghiệm của một số đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và chủ đầu tư còn hạn chế; một số chủ đầu tư còn chậm trong khâu hoàn thiện hồ sơ thanh toán.

Để tháo gỡ khó khăn thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm 2020, Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư, phấn đấu thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn đã giao.

Đồng thời giao nhiệm vụ toàn diện cho các quận, huyện, thị xã thực hiện về công tác giải phóng mặt bằng; các sở, ngành của Thành phố sẽ hướng dẫn, phối hợp để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thành phố và các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư thực hiện định kỳ tuần, tháng giao ban xây dựng cơ bản để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ triển khai, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân. Thành phố sẽ tổ chức Hội nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2020 ngay sau khi các quận, huyện, thị xã tổ chức xong Đại hội đảng cấp huyện (cuối tháng 8/2020) để cả hệ thống chính trị vào cuộc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 đã giao và kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020.

Xem thêm

9 địa phương giải ngân tốt vốn đầu tư công

9 địa phương giải ngân tốt vốn đầu tư công

Sáng nay, 16/7, chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết các địa phương giải ngân tốt (từ 45% trở lên).
Bộ NN-PTNT xin trả lại 1.800 tỷ đồng vốn đầu tư công

Bộ NN-PTNT xin trả lại 1.800 tỷ đồng vốn đầu tư công

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), căn cứ vào hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến ngày 31/1/2021 của 25 dự án trên chỉ khoảng 1.830 tỷ đồng, thừa hơn 1.800 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm