Hỗn loạn vì đổi tiền, hủy tiền ở Ấn Độ

Nền kinh tế Ấn Độ đang lâm vào tình trạng hỗn loạn sau Quyết định bất ngờ của Thủ tướng Ấn Độ Modi về việc hủy bỏ lưu hành các tờ tiền mệnh giá 500 và 1000 rupee. Tờ tiền này chiếm hơn 80% lượng tiền
Hỗn loạn vì đổi tiền, hủy tiền ở Ấn Độ

Người dân xếp hàng bên ngoài một ngân hàng ở New Delhi sau khi chính phủ Ấn Độ tiến hành đổi tiền

Ngày 8/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đột ngột tuyên bố khai tử tờ tiền giấy mệnh giá 500 rupee và 1.000 rupee (tương đương 7,3 USD và 14,7 USD). Hạn chót để người dân đổi tiền mới là ngày 30-12.

Chính quyền ông Modi giải thích việc đổi tiền nhằm đối phó nạn tham nhũng và kiểm soát chặt chẽ hơn “tiền đen” - tiền có từ tham nhũng và được cất giấu để trốn thuế - trong bối cảnh chỉ 1% người dân Ấn Độ đóng thuế thu nhập.

Tuy nhiên, giờ đây New Delhi đang đau đầu đối mặt với việc xử lý tiền cũ, bởi khâu chuẩn bị và tiến hành đổi tiền vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ.

Chính phủ Ấn Độ chỉ cho phép người dân có thể đổi tối đa 4.000 rupee mỗi ngày; được rút từ ngân hàng và máy ATM không quá 10.000 rupee mỗi ngày và không quá 20.000 rupee mỗi tuần. Mỗi người dân có thể được đổi tổng cộng 250.000 rupee (tương đương khoảng 3.700 đô la Mỹ) từ đồng 500 và 1.000 rupee sang các tờ tiền có mệnh giá nhỏ hơn mà không phải nộp thuế.

Có thông tin nhiều người đã xé hoặc đốt “tiền đen” - tiền có từ tham nhũng và được cất giấu để trốn thuế, để tránh bị truy tố. Ông Palaniappan Chidambaram, cựu Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, công kích chính phủ lãng phí khi cho biết chi phí thay thế tiền cũ có thể lên tới 200 tỉ rupee. Đáp lại, ông Arun Jaitley, người kế nhiệm ông Chidambaram và là nhân vật phụ trách chương trình đổi tiền, cho rằng con số này là “quá phóng đại”.

Quyết định đột ngột của Chính phủ Ấn Độ nói trên không chỉ khiến nhiều người có thu nhập thấp, tiểu thương và dân thường vốn phụ thuộc vào nền kinh tế tiền mặt bị ảnh hưởng nặng nề, mà cả các doanh nghiệp cũng khốn đốn. Nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Á có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu tiền mặt.

Chính phủ Ấn Độ thừa nhận rằng sự hỗn loạn sẽ kéo dài nhiều tuần do những chậm trễ trong việc in ấn đồng tiền mới và những trục trặc kỹ thuật đối với máy rút tiền tự động (ATM) do toàn bộ máy ATM phải cài đặt lại chương trình cho phù hợp mệnh giá. Chính phủ của Thủ tướng Modi cho biết họ không thể chuẩn bị trước việc in tiền cũng như sửa máy ATM vì sợ lộ thông tin.

Ông Modi kêu gọi người dân kiên nhẫn, chấp nhận tình trạng thiếu tiền mặt cho tới ngày 30-12 năm nay.Vài ngày kể từ khi mệnh lệnh của Thủ tướng được ban hành, doanh số tại hãng sản xuất nhôm lá Rockdude Impex do ông Somani làm chủ đã giảm một phần tư. Sự thiếu hụt tiền mặt khiến chuỗi cung ứng của ông bị phá vỡ. Xe tải không có tiền mua xăng để chạy, công nhân bốc xếp hàng hóa không làm việc vì không được lãnh lương, các nhà phân phối cũng không thể trả tiền mua hàng.

“Toàn bộ chuỗi cung ứng của tôi đã bị phá vỡ” - ông Somani, chủ sử dụng 150 lao động trên khắp Ấn Độ than thở với hãng tin Anh Reuters. Doanh thu bị đóng băng, trong khi chi phí cố định, gồm cả tiền lương, vẫn phải trả. “Chúng tôi đang cắt giảm sản xuất. Nếu tình trạng này kéo dài hai tháng nữa, chúng tôi sẽ điêu đứng”, ông nói.

Hỗn loạn vì đổi tiền, hủy tiền ở Ấn Độ ảnh 1

Một công nhân nằm ngủ trên các thùng đựng cà chua không bán được ở chợ đầu mối Manchar, bang Maharashtra, Ấn Độ vì các chủ gian hàng không có tiền mặt để mua.

Trong cảnh hỗn loạn hiện nay, có một số người giàu đang nỗ lực tìm đủ mọi cách để “rửa” số tiền mà họ tích lũy được nhằm tránh thiệt hại về tài chính.

Một số người khác, do lo ngại bị điều tra thuế, đã nhét tiền vào túi rồi vứt ra sọt rác. Saumya Roy, giám đốc điều hành của Quỹ phi lợi nhuận Vandana Foundation, ghi nhận nhiều người bới rác ở Mumbai đã tìm thấy những chiếc gối và bao tải được nhồi đầy tờ 500 và 1000 rupee. Các đồng mệnh giá này cũng được phát hiện trôi nổi trên sông Hằng.

The New York Times dẫn trường hợp người đàn ông “kém may mắn” khi vừa mới nhận được 3,5 triệu rupee, tương đương khoảng 51.000 đô la Mỹ trong một vụ bán bất động sản và chưa kịp đầu tư tiền vào đâu. Ông này tiết lộ đã thuê 14 người có thu nhập thấp mang tiền đi đổi để tránh thuế.

Nông dân cũng không có tiền mặt để chuẩn bị gieo cấy vụ đông tới. Trong nỗ lực xoa dịu chỉ trích, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ hôm 22/11 nới lỏng các khoản vay cho nông dân, yêu cầu Ngân hàng Quốc gia về nông nghiệp và phát triển nông thôn giải ngân lên đến 230 tỉ rupee (tương đương 3,36 tỉ USD) cho vay trồng trọt.

Cuối tuần qua, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã cảnh báo nếu tình trạng hỗn loạn trong hoạt động đổi tiền không được giải quyết, bạo loạn sẽ xảy ra trên đường phố. Thủ tướng Modi đã lên tiếng kêu gọi người dân kiên nhẫn và trấn an họ rằng bước đi này sẽ giúp đất nước phát triển lớn mạnh.

Chính quyền của Thủ tướng Modi cho biết sẽ nâng cao cảnh giác để ngăn chặn tình trạng trên. Thủ tướng Modi cam kết tình hình sẽ trở lại bình thường vào cuối năm nay, tuy nhiên ông Saumitra Chaudhuri, cựu cố vấn kinh tế cho chính phủ, ước tính sẽ phải mất ít nhất sáu tháng mới có thể thay thế hết số tiền bị hủy bỏ lưu hành.

Các nhà phân tích cho rằng, tại một đất nước quá phụ thuộc vào tiền mặt như Ấn Độ, nếu muốn xử lý nghiêm túc vấn đề này thì bất ổn kinh tế là không thể tránh khỏi. “Trong một nền kinh tế thị trường mới nổi như Ấn Độ, nơi mà tham nhũng đã bắt rễ sâu và lâu dài, không có cách nào để thực hiện cải cách mà không có sự gián đoạn đáng kể trong ngắn hạn”, Eswar S. Prasad, một giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell được The New York Times trích dẫn, nói.

Theo VnMedia (T/h)

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...