Mang tuổi đời hàng thế kỉ, những đường kẻ sọc tartan cổ điển, biểu tượng văn hóa của Scotland, ngày nay đã trở thành họa tiết được yêu thích bởi nhiều hãng thời trang trên thế giới. Xuất hiện với tần suất dày đặc trên các sàn diễn, tartan, hay còn được biết đến như họa tiết kẻ sọc ô vuông được đổi mới mỗi lần qua tay các nhà thiết kế.
Balenciaga, Burberry, Miu Miu cho BST Xuân – Hè hay Bottega Veneta, Disquared, Micheal Kors trong BST Thu – Đông… cả một “binh đoàn” các hãng lớn đã biến 2018 thành năm của các tín đồ grunge. Các nhà mốt đã giới thiệu đủ loại quần áo kẻ tartan từ áo vest, sơ mi, khăn choàng tới váy kilt (trang phục truyền thống của Scotland).
Kẻ sọc tartan xuất hiện trên rất nhiều sàn diễn thời trang năm nay. Từ trái sang phải, hàng trên: Burberry, Balenciaga, Miu Miu; hàng dưới: Bottega Veneta, Micheal Kors, Dsquared.
Sức cuốn hút "vĩnh cửu"
Bạn biết người ta thường hay nói gì về các xu hướng thời trang rồi đấy, chúng đến rồi lại đi nhanh thôi. Nhưng kẻ sọc tartan thì luôn ở lại. Qua nhiều năm, họa tiết này vẫn được chọn để mặc cho những cô gái “poster” điển hình, từ Cher Horowitz trong series phim Clueless của những năm 90 tới Christine McPherson trong Lady Bird của 2017.
Một mặt thì, bộ đôi hai cô gái tuổi teen dường như rất khác nhau. Cher thì đúng là hình mẫu “vàng hoe”, sành điệu, nổi tiếng nhất trường. Còn Lady Bird? Một nữ học sinh công giáo luôn làm mọi cách để đua đòi theo hội bạn giàu có, thoát khỏi thành phố nghèo mình đang sống. Mặt khác, trang phục của họ đều chia sẻ một chút nổi loạn của tuổi thiếu niên, những kẻ sọc tartan. Đó chính là điểm tạo nên sự thú vị lâu dài của họa tiết in này, nó luôn nằm đâu đó ở giữa hai thế giới lolita và punk.
Kẻ sọc tartan và các thương hiệu thời trang lớn
Kẻ sọc tartan có thể xuất hiện trên sàn diễn trong một, hai mùa của hãng này, nhưng cũng có thể thuộc một phần ADN cốt lõi của hãng khác, ví dụ như Burberry. Hãng thời trang cao cấp của Anh đã biến tartan thành một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất giới thời trang. Ở đâu có những kẻ sọc đen xen kẽ trắng, điểm xuyết đỏ trên nền màu be, ở đó có Burberry.
Kẻ sọc tartan dường như đã trở thành logo thứ hai của Burberry
Alexander McQueen, “đứa con kinh hoàng” của ngành thời trang, cũng mang trong mình một niềm đam mê trường tồn với Scotland và biểu tượng văn hóa của đất nước này. McQueen đã thể hiện lòng trân trọng với kẻ sọc tartan trên suốt quãng đường sự nghiệp của mình, đặc biệt nhất là trong BST Thu – Đông 1995 mang tên ‘Highland Rape‘. NTK tài ba người Anh đã phủ những dải vải kẻ sọc và ren rách rưới lên những người mẫu được trang điểm bầm tím, gây ra nhiều cảm xúc lẫn lộn trong giới chuyên môn.
Từ trái sang phải: BST Thu – Đông 2006 của Alexander Mcqueen, NTK người Anh sánh vai cùng nữ diễn viên Jessica Parker tại Met Gala 2006, show diễn “Highland Rape” đình đám vào năm 1995
Vivienne Westwood là một trong những NTK Anh khác góp công sức to lớn vào việc “xuất khẩu” kẻ sọc tartan ra thế giới. Bà thậm chí có một họa tiết tartan của riêng mình, mang tên “McAndrews” (đặt theo tên của chồng bà). Hình ảnh những siêu mẫu hàng đầu như Kate Moss, Naomi Campbell bước đi như một “băng đảng” Scotland trên sàn diễn Anglomania của Westwood năm 1993, khoác trên mình những thiết kế phủ kín các đường kẻ tartan, vẫn luôn là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất lịch sử thời trang.
Hai siêu mẫu Kate Moss và Naomi Campbell, diện trang phục kẻ sọc tartan tại show diễn “Anglomania” Thu – Đông 1993 của Vivienne Westwood.
Từ Burberry, McQueen, tới Westwood, kẻ sọc tartan chinh phục tất cả, từ thời trang đường phố tới cao cấp. Sau cùng thì cũng dễ dàng có thể thấy được tại sao các hãng lớn lại yêu thích họa tiết này đến vậy. Cùng một lúc, nó vừa tượng trưng cho những cuộc nổi loạn, vừa là biểu tượng của sự tinh tế. Với sự phát triển của fast-fashion, tartan sở hữu tất cả những giá trị được “thèm muốn”, tuổi đời và sự bền vững. Chính chất lượng và tính di sản của tartan đã cho phép nó làm thời trang đi chậm lại, chống lại vòng quay hối hả của ngành công nghiệp ngày hôm nay.
Theo Elle