Báo cáo tình hình vĩ mô của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, huy động vốn 8 tháng đầu năm toàn hệ thống tín dụng tăng 9,1% so với đầu năm, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 8,7%, giấy tờ có giá là 18,6%. Góp phần vào cơ cấu tín dụng tiền gửi tăng phải kể tới hơn 160.000 tỷ đồng (xấp xỉ 7 tỷ USD) mà Kho bạc Nhà nước đang gửi tại ngân hàng, con số này tăng 68% so với đầu năm.
Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng bắt đầu tăng mạnh từ tháng 5/2017, ở mức 143.000 tỷ đồng, tăng 50,2% so với đầu năm. Nhờ nguồn tiền này mà thanh khoản của các ngân hàng tiếp tục tăng trong bối cảnh giải ngân đầu tư công chậm.
Nguyên nhân của thực trạng trên là việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công diễn ra ở các Bộ ngành và địa phương. Lượng tiền chưa được giải ngân bị ứ đọng và đang ở lại trong Kho bạc Nhà nước.
Trước đó, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017. Ông Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Thủ tướng đã phê bình 13 bộ ngành, địa phương giải ngân vốn chậm dưới 20%, gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Y tế, Ủy ban Dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước.
Ông Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng rằng, nguyên nhân chậm trễ thuộc về lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay được cho là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, điều này còn khiến Chính phủ phải gánh lãi vay của dân. Hết năm 2017, nợ công sẽ tăng lên mức 65% GDP, chạm trần mức Quốc hội đề ra.
Số liệu của Bộ Tài chính được công bố tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7/2017 cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng ước đạt 119.367,8 tỷ đồng. Nếu tính tỷ lệ theo tổng vốn mà Quốc hội giao là 357.157 tỷ đồng thì tỷ lệ tương đương 33,4%, nhưng nếu tính theo số vốn Chính phủ giao hơn 309.102 tỷ đồng thì tỷ lệ là 38,6%.
Số liệu từ cơ quan giám sát quốc gia cũng cho thấy, thanh khoản hiện tại của hệ thống ngân hàng khá dồi dào với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn duy trì ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ so với cuối tháng 7, mức 0,2-0,3%. Cùng với đó, trên thị trường mở (OMO) trong 22 ngày đầu tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 4.494 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, tổng lượng hút ròng của cơ quan quản lý gần 32.700 tỷ đồng.