Lãi suất cho vay thực chất không giảm nhiều

So với mức trung bình đầu năm, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-1%/năm, trong khi lãi suất cho vay thường gồm cả ngắn hạn và trung dài hạn không thay đổi.
Lãi suất cho vay thực chất không giảm nhiều

Theo báo cáo thống kê của SSI Research, lãi suất huy động đã giữ xu hướng giảm liên tục từ đầu năm và giảm mạnh từ tháng 7. Hiện suất tiền gửi đã giảm 0,5-2,1 điểm % ở tất cả kỳ hạn.

Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) cũng cho biết đến ngày 16/9, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay mới phổ biến 0,5-2,5% so với trước dịch. Phần dư nợ được hưởng lãi suất thấp này lên tới 1,6 triệu tỷ đồng là doanh số cho vay lũy kế từ 23/1 đến nay với 310.000 khách hàng.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất thực tế vẫn chưa giảm nhiều như tuyên bố của các ngân hàng.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp ngành logistics vẫn phải chi trả mức lãi suất 8,5%/năm trở lên với các khoản vay trung, dài hạn và phải có tài sản thế chấp mới được áp dụng mức lãi suất này.

Tương tự, một lãnh đạo doanh nghiệp ngành ô tô cũng cho biết, hiện nay các ngân hàng chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi suất với khoản vay hiện hữu, giãn thời hạn trả nợ.

Ngoài ra, dù các ngân hàng khuyến khích doanh nghiệp vay mới nhưng cả lãi suất và điều kiện cho vay đều không giảm. Ước tính, lãi suất cho vay chỉ giảm 0,1-0,2%/năm so với trước dịch, số ít doanh nghiệp được áp dụng mức thấp hơn 0,5%/năm.

Lý giải nguyên nhân của việc lãi suất cho vay giảm chưa nhiều so với lãi suất huy động, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, với biên lãi thuần như hiện nay, nếu không giảm thêm lãi suất huy động mà giảm lãi cho vay, ngân hàng sẽ bị thua lỗ.

Tương tự, lãnh đạo một ngân hàng có vốn Nhà nước cũng chia sẻ, mặt bằng lãi suất cho vay chung hiện nay phổ biến dao động bằng lãi suất huy động cùng kỳ hạn cộng thêm 3,5%.Tuy nhiên, mức 3,5% này là bao gồm toàn bộ chi phí vận hành, quản trị rủi ro, trích lập dự phòng nợ xấu… nếu trừ đi tất cả chi phí này, ngân hàng mà giảm 1% lãi suất cho vay chắc chắn sẽ chịu lỗ.

Trong báo cáo mới đây của VNDirect cũng cho biết, dù đã giảm lãi suất huy động từ tháng 7 đến nay nhưng NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng được dự báo vẫn sẽ chạm đáy trong năm nay. Theo đó, mức giảm dao động khoảng 1-72 điểm cơ bản so với cùng kỳ với nguyên nhân chính là lãi suất cho vay thấp hơn và phải miễn/giảm lãi vay hiện hữu.

Tuy vậy, các chuyên gia tại đây dự báo NIM sẽ tăng trở lại 4-28 điểm cơ bản trong 2021 nhờ tăng nhu cầu tín dụng tăng.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu khẳng định rất khó để các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất cho vay trong môi trường tiền tệ hiện nay vì dư địa không còn nhiều. Để giảm được thêm lãi suất, các ngân hàng phải dựa vào lãi suất điều hành của NHNN. Nếu cơ quan quản lý có thể giảm lãi suất điều hành một lần nữa từ nay đến cuối năm, các ngân hàng mới có thể giảm được nhiều chi phí mức lãi suất cho vay thực tế mới có thể giảm xuống.

Tính từ tháng 9/2019 đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm tương ứng 1,75%/năm, đồng thời giảm 0,8-1,25%/năm trần lãi suất huy động và giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên.

Xem thêm

Năm nay, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội được giữ nguyên

Năm nay, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội được giữ nguyên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...