Đến thời điểm này, mức lãi suất cao nhất đang thuộc về Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ở biểu lãi suất chứng chỉ tiền gửi VND ghi danh dành cho khách hàng cá nhân vừa hành.
Chứng chỉ tiền gửi VND của VPBank có các kỳ hạn 18, 24, 36 và 60 tháng. Trong đó mức lãi suất cao nhất lên tới 9,2%/năm, ở kỳ hạn 60 tháng, dành cho các khoản có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên.
Lãi suất chứng chỉ này ở các kỳ hạn và mức giá trị khác được VPBank áp từ 7,5-9%/năm.
Cùng với VPBank, từ đầu tháng 3/2017 đến nay, thị trường cũng đã đón các đợt phát hành chứng chỉ của một số ngân hàng thương mại, chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn dài, như của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có lãi suất cao nhất 8,88%/năm, của Ngân hàng Việt Á (VietABank) có lãi suất 8,2%/năm nhưng áp ở các kỳ hạn ngắn hơn…
Cùng với diễn biến trên, biểu lãi suất huy động thông thường bằng VND của một số ngân hàng thương mại khác cũng vừa có điều chỉnh, tập trung tăng ở các kỳ hạn dài.
Như tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), mức lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn 24, 36 và 60 tháng hiện đã chính thức chạm mốc 8%/năm, sau nhiều năm áp tối đa chỉ 7,8%/năm; hay tại Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), biểu mới nhất áp từ 21/3/2017, mức cao nhất 7,8%/năm đã có ở các kỳ hạn 18-60 tháng, trong khi các kỳ hạn từ 1-5 tháng cùng kịch trần cho phép 5,5%/năm.