Trong lần cập nhật mới nhất, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được khảo sát tại 28 ngân hàng thương mại hiện đang được triển khai quanh mức 4,05%/năm – 5,3%/năm. Theo ghi nhận, hầu hết các ngân hàng tiếp tục thực hiện điều chỉnh lãi suất theo xu hướng giảm so với cùng kỳ tháng trước.
Hiện tại, mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện đang ghi nhận ở kỳ hạn 12 tháng là 5,3%/năm được triển khai đối với các khoản tiền gửi online tại ngân hàng VietBank. Đối với hình thức gửi tiền tại quầy, khách hàng sẽ nhận được lãi suất thấp hơn 0,1 điểm phần trăm, về mức 5,2%/năm.
Tương tự, ngân hàng Nam A Bank cũng ấn định mức lãi suất 5,3%/ năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất trên chỉ áp dụng đối với hình thức gửi tiền online. Nếu khách hàng gửi tiền tại quầy, Nam A Bank niêm yết lãi suất thấp hơn một chút, ở mức 5,2%/năm.
Theo sau là ngân hàng NCB với mức lãi suất huy động 5,1%/năm, áp dụng cho các khoản tiết kiệm An Phú. Còn khách hàng lựa chọn hình thức gửi tiền truyền thống sẽ nhận được mức lãi suất là 5%/năm. Song song với đó, ngân hàng OceanBank cũng triển khai mức lãi suất 5,1%/năm đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Qua so sánh, mặc dù hầu hết các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động nhưng mức lãi suất 5%/năm vẫn còn xuất hiện nhiều. Trong đó, hầu hết là các ngân hàng thương mại nhỏ như: SaigonBank, Viet A Bank, Dong A Bank, Sacombank và LPBank.
Cũng tại kỳ hạn này, 4,9%/năm là mức lãi suất đang được ngân hàng OCB và Eximbank ấn định cho hình thức gửi tiền online. Khi gửi tiền trực tiếp, lãi suất huy động sẽ giảm về mức 4,8%/năm.
Cùng với đó, 4,8%/năm là mức lãi suất được triển khai tại các ngân hàng HDBank, BVBank, KienlongBank, PVcomBank, SHB, TPBank và ACB. Còn các ngân hàng Bao Viet Bank, PGBank và MBBank huy động mức lãi suất 4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Các ngân hàng CBBank và GPBank có cùng mức lãi suất là 4,65%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng VPBank được triển khai ở mức 4,3%/năm, áp dụng chung đối với các hạn mức tiền gửi: dưới 1 tỷ đồng; từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Còn hạn mức tiền gửi từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng có lãi suất là 4,4%/năm và từ 50 tỷ đồng trở lên có lãi suất là 4,5%/năm.
Đồng thời, VPBank vẫn triển khai biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến đối với kỳ hạn 12 tháng trong tháng này. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức lãi suất tương ứng trên biểu lãi suất huy động tại quầy.
Ở biểu lãi suất tiết kiệm thường của ngân hàng Techcombank với thời hạn 12 tháng, khách hàng cá nhân và hội viên Inspire sẽ nhận được mức lãi suất là 4,4%/năm. Đối với khách hàng Priority và khách hàng Private, ngân hàng này huy động mức lãi suất cao hơn 0,05 – 0,1 điểm phần trăm, lần lượt là 4,45%/năm và 4,5%/năm. So với tháng trước, mức lãi suất này đã được điều chỉnh giảm thêm 0,2 điểm phần trăm.
Theo ghi nhận, một số ngân hàng tư nhân đã đưa lãi suất huy động xuống dưới mức 4,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Cụ thể, hai ngân hàng ABBank và MSB huy động lãi suất ở mức 4,3%/năm. Còn SCB niêm yết ở mức 4,05%/năm, đây cũng là mức lãi suất thấp nhất tại kỳ hạn 12 tháng trong số các ngân hàng được khảo sát.
Khảo sát riêng nhóm Big 4, các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank triển khai lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,8%/năm. Trong khi đó, ngân hàng Vietcombank có mức lãi suất chỉ là 4,7%/năm, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng quốc doanh.
Trong báo cáo phân tích được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục bị “nhấn chìm”. Dự báo, lãi suất tiền gửi 12 tháng vào cuối năm 2024 sẽ nằm trong khoảng 5,5%/năm, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có khả năng giảm thêm 0,5 – 1 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2024.
Ngoài ra, SSI Research cho biết Ngân hàng Nhà nước vẫn có dư địa để thực hiện thêm một lần cắt giảm lãi suất chính sách nữa trong năm 2024 khi hoạt động kinh tế chưa thể quay lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn hiện nay, các kênh đầu tư khác chưa mấy sáng sủa, người dân và cả nhà đầu tư vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm. Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 15/1 cho thấy, bất chấp lãi suất tiết kiệm bị “nhấn chìm”, lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng mạnh, tính đến tháng 11/2023 đạt kỷ lục 12,8 triệu tỷ đồng.