Trong tháng 7/2024, phạm vi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được khảo sát tại các ngân hàng thương mại hiện đang được triển khai trong khoảng 3,7%/năm – 6%/năm. Theo ghi nhận, hầu hết các ngân hàng tiếp tục thực hiện tăng lãi suất huy động so với cùng kỳ tháng trước.
Trong đó, mức lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn 12 tháng hiện là 6%/năm, được triển khai đối với các khoản tiền gửi online tại ngân hàng ABBank. Đối với hình thức gửi tiền tại quầy, khách hàng sẽ nhận được lãi suất thấp hơn, chỉ còn 5,4%/năm. So với tháng 6/2024, mức lãi suất này được ngân hàng ABBank điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm.
Tiếp đó, mức lãi suất cao thứ hai trong tháng này là 5,7%/năm, được ghi nhận tại ngân hàng NCB đối với hình thức Tiết kiệm An Phú. Nếu khách hàng lựa chọn gửi tiền tại quầy, mức lãi suất nhận được là 5,6%/năm.
Thấp hơn một chút, BVBank đang ấn định mức lãi suất 5,6%/năm tại kỳ hạn 12 tháng, áp dụng đối với hình thức gửi tiền online. Trường hợp khách hàng gửi tiền hình thức truyền thống sẽ nhận được mức lãi suất thấp hơn là 5,5%/năm.
Mức lãi suất 5,5%/năm được các ngân hàng HDBank, Bac A Bank và OceanBank triển khai cho kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, Viet A Bank, Nam A Bank và MSB lại ấn định lãi suất đối với kỳ hạn 12 tháng là 5,4%/năm.
Cùng kỳ hạn gửi tiền, hai ngân hàng PGBank và CBBank huy động mức lãi suất 5,3%/năm, áp dụng cho các khoản tiết kiệm online. Trường hợp khách hàng gửi tiền hình thức truyền thống sẽ nhận được mức lãi suất 5,15% đối với ngân hàng CBBank.
Theo ghi nhận, 5,2%/năm là mức lãi suất được triển khai tại các ngân hàng OCB, Kienlongbank, SHB và VietBank đối với thời hạn 12 tháng. Còn ngân hàng GPBank và LPBank ấn định mức lãi suất thấp hơn 0,1 điểm phần trăm, tương ứng 5,1%/năm.
Trong tháng này, 5%/năm là mức lãi suất được Eximbank và Saigonbank triển khai đối với kỳ hạn 12 tháng. Thấp hơn một chút, 4,9%/năm là mức lãi suất đang được các ngân hàng Sacombank ấn định cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trong tháng này.
Cùng với đó, 4,8%/năm là mức lãi suất được triển khai tại ngân hàng PVcomBank. Còn hai ngân hàng MB và ACB huy động mức lãi suất 4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Ngân hàng DongA Bank áp dụng lãi suất 4,5%/năm đối với kỳ hạn này.
Trong khi đó, ngân hàng SCB niêm yết lãi suất ở mức 3,7%/năm, đây cũng là mức lãi suất thấp nhất tại kỳ hạn 12 tháng trong số các ngân hàng được khảo sát.
Tại ngân hàng VPBank, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được triển khai ở mức 5,1%/năm, áp dụng chung đối với các hạn mức tiền gửi: dưới 1 tỷ đồng; từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Còn hạn mức tiền gửi từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng có lãi suất là 5,2%/năm và từ 50 tỷ đồng trở lên vẫn là 5,2%/năm.
Trong tháng này, VPBank vẫn triển khai biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến đối với kỳ hạn 12 tháng. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức lãi suất tương ứng trên biểu lãi suất huy động tại quầy.
Ở biểu lãi suất tiết kiệm thường của ngân hàng Techcombank đối với thời hạn 12 tháng, khách hàng cá nhân và hội viên Inspire sẽ nhận được mức lãi suất là 4,8%/năm. Đối với khách hàng Priority và khách hàng Private, ngân hàng này huy động mức lãi suất cao hơn, lần lượt là 4,95%/năm và 5%/năm. So với tháng trước, mức lãi suất này đã được điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm.
Khảo sát riêng nhóm ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank triển khai lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,7%/năm. Trong khi đó, ngân hàng Vietcombank có mức lãi suất thấp hơn, tương ứng 4,6%/năm.
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS Research) nhận định, sau khi chạm đáy, lãi suất huy động tăng dần ở thời điểm cuối năm ngoái và lãi suất cho vay cũng đang tăng dần trở lại khi lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu tiếp tục phục hồi kể từ đầu năm 2024.
Đáng chú ý, trong 2 tháng gần đây, lĩnh vực sản xuất tiếp tục mở rộng khi các đơn hàng mới xuất khẩu không ngừng tăng lên, nhập khẩu đầu vào nguyên liệu tăng đột biến dẫn tới cầu về vốn cũng tăng lên. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tăng từ mức 1.42% ở 3 tháng đầu năm 2024 lên 3.79% giữa tháng 6/2024.
Tuy nhiên, nếu so với các năm trước, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2024 vẫn còn thấp và Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nên khả năng lãi suất huy động và cho vay tăng đột biến là rất khó xảy ra.
Do đó, TPS Research kỳ vọng lãi suất huy động bình quân tháng sẽ dao động từ 6 - 7% và lãi suất cho vay bình quân tháng sẽ dao động từ 8 - 9% trong năm nay.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh vĩ mô ngày càng thuận lợi như nhiều quốc gia đã và đang tiến tới tiến trình cắt giảm lãi suất, tốc độ tăng tỷ giá cũng chậm dần và sẽ hạ nhiệt khi tới gần ngày Fed cắt giảm lãi suất, cán cân thương mại được kỳ vọng sẽ cải thiện khi xuất khẩu tăng tốc và tốc độ tăng của nhập khẩu chậm lại. Do đó, áp lực lên chính sách tiền tệ cũng đang giảm dần.
Hơn nữa, từ đầu năm 2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước có xu hướng sử dụng các công cụ thị trường mở hoặc giao dịch USD thay vì sử dụng chính sách điều hành để điều tiết lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá.
Vì vậy, TPS Research vẫn duy trì quan điểm, nếu không có sự kiện gì quá bất lợi và khó lường, ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm nay.