Cập nhật biểu lãi suất tại các ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng đang được niêm yết trong khoảng từ 3,9%/năm đến 6%/năm. Phần lớn các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất, chỉ có một số ít nhà băng giữ nguyên biểu lãi suất tiền gửi trong tháng 4 này.
Theo khảo sát, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất ghi nhận được ở kỳ hạn này là 6%/năm đang được triển khai tại ngân hàng Bac A Bank đối với hạn mức gửi tiền trên 1 tỷ đồng. Với khách hàng chỉ sở hữu tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, lãi suất có thể nhận được là 5,8%/năm.
Mức lãi suất huy động cao thứ hai ở kỳ hạn 24 tháng là 5,95%/năm ghi nhận được tại ngân hàng BVBank khi khách hàng tham gia gửi tiền trực tuyến. Còn với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, mức lãi suất mà BVBank đang áp dụng là 5,9%/năm.
Trong tháng này, có đến 4 ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất 5,9%/năm cho thời hạn gửi tiền 2 năm là: MB, VietABank, VietBank và BaoVietBank. Theo sau là mức lãi suất 5,8%/năm cùng được áp dụng tại TPBank, Nam A Bank và Saigonbank.
Thấp hơn một chút là mức lãi suất 5,7%/năm đang được huy động tại ngân hàng Eximbank và PGBank với kỳ hạn gửi tiền 24 tháng. Tương tự, ngân hàng Sacombank cũng đang ấn định mức lãi suất 5,7%/năm cho các khoản tiền gửi online, nhưng khi gửi tại quầy, khách hàng chỉ còn nhận về lãi suất là 5%/năm.
Ngoài ra, một số nhà băng đang huy động lãi suất cho kỳ hạn 2 năm trên mức 5%/năm trong tháng này còn có: IVB (5,95%/năm); OCB (5,6%/năm); LPBank (5,6%/năm); NCB (5,6%/năm); MSB (5,6%/năm); SHB (5,5%/năm); HDBank (5,5năm); SeABank (5,45%/năm); KienlongBank (5,45%/năm); ABBank (5,4%/năm); VIB (5,3%/năm); PVComBank (5,3%/năm)…
Cùng thời điểm khảo sát, các khoản tiền gửi có kỳ hạn 24 sẽ được ngân hàng VPBank chia thành nhiều hạn mức tiền gửi. Cụ thể, đối với hạn mức tiền gửi dưới 1 tỷ đồng và tiền gửi 1 - 3 tỷ đồng sẽ được ngân hàng VPBank áp dụng chung mức lãi suất huy động là 5,3%/năm. Với tiền gửi 3 tỷ - dưới 10 tỷ đồng, lãi suất là 5,4%/năm. Đối với hạn mức từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ và trên 50 tỷ đồng, lãi suất tiết kiệm hiện được ngân hàng VPBank quy định là 5,5%/năm.
Đối với hình thức gửi tiền online, khách hàng của VPBank sẽ được huy động mức lãi suất cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức lãi suất tương ứng trên biểu lãi suất huy động tại quầy.
Còn đối với biểu lãi suất tiết kiệm thường của ngân hàng Techcombank kỳ hạn 24 tháng, khách hàng cá nhân và hội viên Inspire sẽ nhận được lãi suất là 4,55%/năm, khách hàng Priority và khách hàng Private sẽ nhận được lãi suất cao hơn, lần lượt ở mức 4,7%/năm và 4,75%/năm.
Khảo sát riêng tại nhóm ngân hàng quốc doanh, mức lãi suất huy động đối với kỳ hạn 24 tháng tại BIDV, Agribank và VietinBank tiếp tục duy trì ổn định, ở mức 4,8%/năm trong tháng này. Còn ngân hàng Vietcombank lại giữ nguyên mức lãi suất tiết kiệm thấp hơn là 4,7%/năm.
Tuy nhiên, nhóm Big 4 ngân hàng không phải những nhà băng có lãi suất thấp nhất. Qua so sánh, khách hàng khi tham gia gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 24 tháng, ngân hàng SCB sẽ niêm yết mức lãi suất huy động là 3,9%/năm. Mức lãi suất này đã duy trì xu hướng đi ngang trong nhiều tháng qua.

Theo báo cáo của Cục thống kê, lãi suất tiền gửi bình quân bằng VND trong tháng 2 của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 3,1 - 4,%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Với kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, lãi suất tiền gửi bình quân đạt 4,5 - 5,4%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng, lãi suất là 4,8 - 6%/năm và 6,9 - 7,1%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7 - 9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm.
Theo kết quả điều tra các tổ chức tín dụng quý 2/2025 vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra, các tổ chức tín dụng cho hay, trong quý 1/2025 mặt bằng lãi suất huy động vốn VND bình quân các kỳ hạn giảm nhẹ 0,03 - 0,05 điểm phần trăm.
Mặt bằng lãi suất cho vay VND giảm nhẹ 0,08 - 0,1 điểm phần trăm so với quý trước, ngược với dự kiến tăng nhẹ 0,14 điểm phần trăm lãi suất huy động VND và 0,04 điểm phần trăm lãi suất cho vay VND của các tổ chức tín dụng tại kỳ điều tra trước.
Các tổ chức tín dụng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động vốn VND bình quân toàn hệ thống duy trì ổn định trong quý 2/2025 và chỉ tăng rất nhẹ 0,02 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn trên 6 tháng và tăng nhẹ 0,17 điểm phần trăm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống trong cả năm 2025.
Trong khi dự báo mặt bằng lãi suất cho vay VND bình quân toàn hệ thống tiếp tục giảm nhẹ 0,03 - 0,08 điểm phần trăm trong quý 2/2025 và cả năm 2025.
Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 4,19% trong quý 2/2025 và tăng 13,1% trong năm 2025. Trong đó, huy động vốn và tín dụng ngắn hạn được dự báo tăng trưởng cao hơn các kỳ hạn dài. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 4,39% trong quý 2 và tăng 16,4% trong năm 2025.
Cục Thống kê nhận định, tín dụng tiếp tục được định hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025, trước đó Ngân hàng Nhà nước đã đề ra các giải pháp như yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.
Đồng thời, ưu tiên tín dụng cho sản xuất kinh doanh đồng thời kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong các ngành nhạy cảm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ vay vốn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng được khuyến khích mở rộng chương trình kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), để tháo gỡ khó khăn về tài sản thế chấp và nợ xấu.
Nhiều chuyên gia tài chính cũng dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt 17-18% nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất và tiêu dùng, nhất là tín dụng bán lẻ.