Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ hội năm nay hội tụ hàng trăm đặc sản của cả 3 miền và các loại bánh dân gian với nguồn nguyên liệu sạch từ Làng bột Sa Đéc (Đồng Tháp), các sản phẩm OCOP, sản phẩm chế biến từ trái cây phong phú, đa dạng, các gian hàng bánh Trung Thu…
Ban Tổ chức sẽ sắp đặt những chiếc thuyền lớn để trưng bày các loại trái cây 3 miền, kếp hợp với đèn lồng nhiều kích cỡ tạo nên một không gian huyền ảo lung linh sắc màu. Ban Tổ chức cũng sẽ thực hiện không gian trưng bày với chủ đề "Trung Thu xưa và nay" với chuỗi câu chuyện kể về lễ hội Trung Thu bằng hình ảnh về những nghi lễ Trung Thu xưa, hình ảnh cỗ Trung Thu, bánh Trung Thu, đồ chơi Trung Thu xưa và nay...
Cùng với đó là không gian sắp đặt tranh dân gian và các sản phẩm thủ công truyền thống trên chất liệu hiện đại được thể hiện đối lập sẽ tạo ấn tượng cho khách tham quan. Khu vực này còn trưng bày mặt nạ truyền thống và mặt nạ sáng tạo của Phó Giáo sư, Tiến sỹ mỹ thuật Trang Thanh Hiền được thể hiện trên khung tre và mành tăm tre.
Đến với Lễ hội Trung Thu 2022, các em thiếu nhi cơ hội trải nghiệm thực tế làm ra các sản phẩm Trung Thu truyền thống như làm lồng đèn, vẽ mặt nạ từ giấy bồi, nặn tò he Xuân La, làm phỗng đất làng Hồ, sáng tạo từ lá dừa, làm bút tre, các loại bánh truyền thống... Qua đó, các em sẽ hiểu rõ hơn về các làng nghề vùng quê Việt nơi các nghệ nhân vẫn âm thầm và miệt mài bảo tồn nét dân tộc qua từng chiếc đèn ông sao, mặt nạ bồi giấy, đèn kéo quân...
Bên cạnh đó, các em còn được giới thiệu hàng trăm đầu sách dành cho các em thiếu nhi cũng như đồ dùng phục vụ học tập của các nhà xuất bản tại khu trưng bày, triển lãm sách và thiết bị giáo dục với chủ đề "Cùng em đến trường".
Xuyên suốt lễ hội Trung Thu là các chương trình nghệ thuật đặc sắc, múa rối, xiếc; "Đêm hội rước đèn và phá cỗ Trung thu", biểu diễn Lân-Sư-Rồng, thời trang trẻ em với chủ đề "Lân vọng nguyệt"...