Lợi nhuận Eximbank sẽ hao hụt bao nhiêu nếu phải trả 300 tỷ đồng?

Vụ việc mất 245 tỷ đồng tiền gửi của nữ đại gia thuỷ sản đang khiến ngân hàng Eximbank khó xử và liệu có đang muốn “câu giờ” hoàn trả tiền cho khách hàng?
Lợi nhuận Eximbank sẽ hao hụt bao nhiêu nếu phải trả 300 tỷ đồng?

Thông tin mới nhất từ buổi làm việc ngày 27/2 giữa Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) và bà Chu Thị Bình - khách hàng bị mất 245 tỷ đồng đã đưa ra hướng xử lý vụ việc này.

Theo đó, HĐQT Eximbank đề nghị tạm ứng hoàn trả cho bà Bình số tiền là hơn 14 tỷ đồng trên tổng số 245 tỷ đồng đã bị ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM làm giả giấy tờ, rút ruột hết. Nếu tính cả lãi suất tiền gửi thì tổng số tiền mà bà Bình bị thiệt hại lên tới 300 tỷ đồng. Bà Bình đã không đồng ý phương án mà ngân hàng đưa ra, mà muốn nhận lại toàn bộ số tiền bị nhân viên Eximbank chiếm đoạt trong thời gian bà vẫn đang giữ 3 sổ tiết kiệm gốc…

Tuy nhiên, HĐQT Eximbank không đồng ý yêu cầu này và cho rằng tạm ứng trước hơn 14 tỷ đồng - là số tiền trên giấy ủy nhiệm chi mà Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44) xác định là chữ ký của chủ tài khoản lẫn người được ủy quyền đều bị làm giả. Còn những khoản tiền khác sẽ phải chờ phán quyết của toà. Việc tạm ứng một số tiền trước là thể hiện trách nhiệm của ngân hàng đối với khách hàng trong khi chờ phán quyết của toà án.

Vụ việc “bốc hơi” 245 tỷ đồng tiền gửi tại Eximbank làm xôn xao dư luận suốt tuần qua. Được biết, từ năm 2013 đến nay, bà Chu Thanh Bình đã mở 3 sổ tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM. Tổng số tiền gốc hơn 301 tỷ đồng (trong đó một sổ 247 tỷ đồng, một sổ 49 tỷ đồng và một sổ 5,4 tỷ đồng). Trong quá trình giao dịch tại đây, bà Bình là khách hàng VIP, được chăm sóc riêng và ông Lê Nguyễn Hưng trực tiếp theo dõi, chi trả tiền lãi cho bà Bình. Thế nhưng, ông Hưng đã lợi dụng để làm giả chứng từ, chữ ký và rút toàn bộ 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng.

Đến tháng 2/2017, khi sổ tiết kiệm 49 tỷ đồng đến ngày đáo hạn, bà Bình muốn rút tiền thì Eximbank phát hiện toàn bộ tiền gửi đã bị rút khỏi hệ thống ngân hàng từ lâu với tổng số tiền 245 tỷ đồng. Bà Bình đã nhiều lần làm việc, khiếu nại phía Eximbank hoàn trả tiền bởi ngân hàng đã làm sai quy trình về quản trị tiền gửi dẫn đến kẽ hở cho lãnh đạo, nhân viên cấp chi nhánh làm sai, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Hiện, lãnh đạo Eximbank cho biết ngân hàng sẽ giải quyết quyền lợi thoả đáng cho khách hàng sau khi toà án có phán quyết cụ thể.

Số tiền gửi 245 tỷ đồng bị thất thoát là trường hợp mất tiền gửi lớn nhất được ghi nhận tại Eximbank từ trước đến nay và bằng khoảng 30% lợi nhuận sau thuế của năm 2017. Do đó, việc giải quyết bồi thường thiệt hại với số tiền lớn như vậy có lẽ đang khiến Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết khó xử và phải chờ đợi ý kiến từ HĐQT.

Trong thời gian tới, nếu toà án tuyên ngân hàng thua kiện và phải hoàn trả toàn bộ tiền gốc và lãi phát sinh cho khách hàng Chu Thanh Bình thì sẽ gây áp lực lớn cho nhà băng này cả về mặt uy tín, nguồn bồi thường thiệt hại cũng như ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh năm 2018.

Giả định số tiền gốc và lãi phát sinh sẽ phải hoàn trả cho bà Bình là 300 tỷ đồng, ngân hàng sẽ chi trả từ nguồn dự phòng rủi ro hoạt động. Đồng thời ngay trong năm 2018, Eximbank sẽ phải trích thêm chi phí dự phòng tỷ lệ 100% thiệt hại do hoạt động quản trị rủi ro yếu kém.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận kinh doanh năm 2018 và có khả năng Eximbank sẽ phải tính toán, điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận trước khi trình lên ĐHCĐ thường niên ngày 27/4/2018 tới đây. Các cổ đông sẽ chất vấn vụ việc thất thoát tài sản này bởi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cổ đông và ngân hàng.

Để khắc phục hậu quả, ngân hàng còn phải tiến hành xử lý trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo, nhân viên gây ra sai phạm, thất thoát tài sản và truy đòi hoàn trả lại cho ngân hàng. Hiện, ông Hưng đã biến mất cùng khoản tiền 245 tỷ đồng chiếm đoạt được nên chưa rõ khi nào Eximbank mới thu hồi được?

>> Vụ khách hàng bị mất tiền ở Eximbank, lỗi trước tiên vẫn thuộc về ngân hàng

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...