Mỗi hộ gia đình sẽ phải rút ví bao nhiêu tiền nếu áp thuế tài sản?

Mỗi hộ gia đình có thể phải rút ví thêm 1,3 triệu đồng mỗi năm nếu việc áp thuế tài sản với nhà, đất được thực hiện như dự thảo đưa ra trước đó của Bộ Tài chính.
Mỗi hộ gia đình sẽ phải rút ví bao nhiêu tiền nếu áp thuế tài sản?

Đây là kết quả vừa được đưa ra tại hội thảo: “Khả năng áp dụng và tác động của Thuế Tài sản tại Việt Nam" ngày 12/12. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Oxfam tổ chức.

Đánh thuế nhà trên 2 tỷ đồng, ảnh hưởng sẽ nhỏ nhất

Nhắc lại đề xuất đánh thuế đất và nhà trên 700 triệu đồng được Bộ Tài chính đưa ra trước đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Nguyễn Đức Thành cho hay, VEPR và nhóm chuyên gia đã tính toán mức độ ảnh hưởng của việc đánh thuế này.

Số liệu được tổng hợp từ kết quả khảo sát "Mức sống hộ gia đình Việt Nam" năm 2016 do Tổng cục Thống kê điều tra đối với 9.399 hộ gia đình trên cả nước.

Tiến sỹ Nguyễn Việt Cường (Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong) cho biết, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các kịch bản thuế suất 0,3% và 0,4% đối với các ngưỡng chịu thuế từ 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.

Phương án ngưỡng 2 tỷ đồng không có trong dự thảo của Bộ Tài chính tuy nhiên theo ông, hiện nhà có mức giá 1-2 tỷ đồng là khá bình thường và thậm chí phải trên 2 tỷ đồng. Bởi vậy, nhóm chuyên gia đưa thêm cả phương án này để tính toán.

Kết quả cho thấy, nếu ngưỡng đánh thuế nhà là 700 triệu đồng thì có 8% hộ gia đình phải đóng thuế. Tỷ lệ này giảm xuống còn 4,3% nếu ngưỡng tính thuế là 1 tỷ đồng và chỉ còn 0,4% với phương án chỉ đánh thuế nhà từ 2 tỷ đồng trở lên.

Về số tiền phải nộp, theo tính toán, đối với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 978.000 đồng. Nếu áp thuế 0,4%, số tiền phải hộ phải bỏ ra hàng năm lên tới hơn 1,3 triệu đồng.

Nếu ngưỡng chịu thuế từ 1 tỷ đồng, theo ông Cường, mức thuế nhà và đất trung bình mỗi hộ phải nộp hàng năm từ 897.000 đồng tới gần 1,2 triệu đồng.

Phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỷ đồng theo ông Cường có tác động nhỏ nhất đối với hộ gia đình. Cụ thể, với phương án này, các hộ gia đình chỉ phải bỏ ra 763.000 đồng mỗi năm. Cũng với ngưỡng chịu thuế này, mức thuế nếu là 0,4% thì số tiền phải bỏ ra mỗi năm cũng chỉ là 1 triệu đồng, thấp hơn các ngưỡng trước đó.

Bởi vậy, theo ông, phương án ngưỡng tính thuế 2 tỷ đồng là phù hợp.

Với tất cả các phương án trên, ông Cường cho biết, không phương án nào làm gia tăng tỷ lệ hộ nghèo. Lý do theo ông bởi đa phần hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ hoặc có tài sản giá trị thấp nên ít bị tác động.

Khó đồng thuận nếu mù mờ thu, chi?

Nhìn lại những kết quả trên, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, thuế tài sản nếu được ban hành như dự thảo sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình.

"Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tới đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị giảm thu nhập chứ không phải do người nghèo được cải thiện. Vì vậy, thuế tài sản không phải là một sắc thuế bền vững nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội," ông Thành nêu nhận xét.

Bàn thêm, phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Sỹ Cường, Học Viện Tài chính cho biết, hiện có 174/193 nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau.

Mức đóng góp trung bình của thuế bất động sản tại các nước OEDC theo ông là khoảng 2,12% GDP mỗi năm trong khi với các nước đang phát triển là 0,6%. Tính trung bình, đóng góp của thuế bất động sản chỉ khoảng 1,04% GDP mỗi năm. Mức đóng góp này theo ông là không cao. Tuy nhiên, theo ông, các nước có xu hướng áp thuế bất động sản không với mục tiêu tạo thu ngân sách Trung ương mà là khoản thuế địa phương.

Điều này theo ông, tức là "anh ở đâu thì trả tiền cho dịch vụ tại địa phương đó, khu đường xá tốt, vị trí đẹp thì thuế cao, khu xa hơn thì thuế thấp." Các nước thường để khoản thuế này cho địa phương quyết định và có thể Nhà nước chỉ quy định khung. Đây là khoản thu quan trọng ở cấp địa phương ở nhiều nước. Ví dụ, thuế bất động sản chiếm tới 80% thu ngân sách địa phương tại Thái Lan, 36% tại Chile, 40% tại Ba Lan hay 50% tại Australia,...

Trong khi đó, theo ông Cường, tại Việt Nam, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đóng góp rất thấp, chỉ 0,03 – 0,06% GDP mỗi năm. Vai trò của khoản thuế này với ngân sách địa phương cũng khiêm tốn, chỉ 5-7% thu ngân sách địa phương, nhiều nơi chỉ 2%.

Ông thừa nhận, "chẳng ai thích tăng thuế" nhưng vị chuyên gia kinh tế đặt ra câu hỏi: Vì sao các nước lại thu được. Theo ông, điều quan trọng là cách chi của các nước là minh bạch và tạo được sự đồng thuận từ người dân.

Ông Nguyễn Đức Thành (VEPR) cũng bày tỏ đồng tình quan điểm này. Theo ông, khi ban hành một luật thuế mới, điều quan trọng là tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ở ngân sách của các cấp.

"Tăng thu để phục vụ chi, nhưng chi như thế nào, người dân cần được rõ hiệu quả của các khoản chi đó," ông nói.

Ông Thành nhấn mạnh quan điểm: Việc cải thiện ngân sách cần bắt nguồn từ tiết kiệm chi, chứ không phải việc tăng cường thu.

Theo Xuân Dũng/Vietnamplus

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...