Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2018, ước tính kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên.
Kinh tế tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong hai năm 2017-2018, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 25,3-26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chiếm tỷ trọng 34,7-34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (không kể dầu thô).
Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều yếu tố gây khó khăn, hạn chế vai trò động lực của kinh tế tư nhân. Thương Gia xin đưa ra một số ý kiến của các doanh nghiệp với mong muốn khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành nền tảng của mô hình phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty CP kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh: Cần sự hỗ trợ trong sản xuất lúa hữu cơ
Theo tôi kinh tế tư nhân có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Kinh tế tư nhân đóng góp vào thu NSNN ngày càng lớn và ngày càng cao so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và vượt xa (gần 9%) khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đóng góp vào tăng thu NSNN cho thấy sự phát triển của kinh tế tư nhân đã phát huy vai trò đối với việc củng cố nền tài chính quốc gia.
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty CP kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh
Đối với lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn thường xảy ra câu chuyện “được mùa mất giá”. Cá nhân tôi đã hiến kế cho vấn đề này. Chúng tôi đã quy tụ được 45 loại đặc sản vùng miền trong cả nước và đưa ra chiến lược, tính toán được các rủi ro có thể xảy ra trong năm và đưa ra phương án khắc phục các rủi ro đó.
Tuy nhiên chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc sản xuất lúa hữu cơ. Để làm tốt điều này tôi mong muốn Chính phủ ngừng nhập thuốc diệt cỏ cũng như thuốc kích thích vì điều này rất dễ phá vỡ vùng.
Bà Nguyễn Phúc Cẩm Anh - CEO Trung tâm Thẩm Mỹ Y khoa Hoàng Hạc: Cơ chế cho lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp
Kinh tế tư nhân rõ ràng đã góp phần rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế cũng như của xã hội nước nhà. Với sự hậu thuẫn của Nhà nước như hiện nay thì trong thời gian tới, chắc chắn nền kinh tế tư nhân còn có nhiều đóng góp hơn nữa. Thông qua buổi hội nghị hôm nay chúng tôi thấy rất phấn khởi vì đã có nhiều rào cản được tháo gỡ làm cho doanh nghiệp tư nhân có cơ hội phát triển và bay cao, bay xa hơn nữa.
Bà Nguyễn Phúc Cẩm Anh - Trung tâm Thẩm Mỹ Y khoa Hoàng Hạc
Để cho các thành phần kinh tế tư nhân phát triển chúng tôi cần hỗ trợ về các chính sách cũng như cơ chế để hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong các ngành nghề, kể cả trong các ngành nghề nhạy cảm như ngành chăm sóc sắc đẹp. Hiện nay chúng tôi vẫn còn đang rất “bơ vơ” bởi chưa có một chính sách hay hướng dẫn cụ thể cho những người làm nghề chân chính, để họ có cơ hội phát triển công bằng trong một môi trường đang rất hỗn loạn, mạnh ai nấy làm và đầy tự phát, không có sự dẫn dắt của người đầu ngành.
Bà Nguyễn Thị Bích Hằng - CEO ActionCoach: Tạo sự cạnh tranh công bằng giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác
Tôi nghĩ rằng sắp tới kinh tế tư nhân sẽ rất phát triển và sẽ đóng góp nhiều ngân sách cho nền kinh tế quốc gia. Theo nghiên cứu, trên thế giới các doanh nghiệp có tuổi đời lâu năm và phát triển thường là các doanh nghiệp tư nhân, do đó Nhà nước đang định hướng ưu tiên phát triển nền kinh tế tư nhân là rất đúng hướng, góp phần rất nhiều vào sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế đất nước.
Bà Nguyễn Thị Bích Hằng - CEO ActionCoach
Kinh tế tư nhân sẽ phát triển hơn nữa nếu được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ về thuế và tạo sự cạnh tranh công bằng giữa kinh tế tư nhân với với các thành phần kinh tế khác để họ có cơ hội phát triển, vì đâu đó vẫn chưa có sự công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác.
Tôi cũng mong rằng Chính phủ quan tâm hơn nữa tới các chính sách cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bởi môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm…