Lãi suất thị trường ở Việt Nam vẫn đang ở mức thấp bất thường và thường xuyên biến động. Tính chất biến động thất thường của thị trường tiền tệ liên ngân hàng có thể ảnh hưởng khá tiêu cực đến hệ thống khiến các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả hơn và chi phí hoạt động tăng. Đồng thời thị trường trái phiếu cũng bị ảnh hưởng.
Trong tuần đầu tháng 8, thanh khoản trên thị trường bất ngờ tăng mạnh, kéo theo lãi suất cho vay tiếp tục giảm mạnh 0,12%-0,8%. Lãi suất qua đêm bình quân giảm 0,8%/năm xuống 2,18%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng giảm 0,83%/năm xuống 2,43%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng bình quân lần lượt giảm còn 3,38%/năm và 3,89%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất đã tăng trở lại từ cuối tuần, trừ kỳ hạn 3 tháng. Lãi suất qua đêm ngày 6/8 đã tăng lên 2,27%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng cũng tăng đáng kể.
Không riêng lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tín phiếu được NHNN tăng thêm 0,9%-1,9%/năm nhằm giúp giảm cầu USD.
Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 30/7 – 3/8 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tại thời điểm cuối tuần, VND tiếp tục giảm giá trên cả thị trường chính thức và tự do. Tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng tăng thêm 75 VND lên mức 23.250 - 23.330 VND/USD, trong khi tỷ giá tự do tăng mạnh 140 VND, đặc biệt trong phiên cuối tuần, lên 23.500 - 23.550 VND/USD.
Tỷ giá trung tâm cũng được NHNN điều chỉnh tăng khá dứt khoát với tổng mức tăng 27 VND lên 22.676 VND/USD, tương đương mức trần 23.356 VND/USD. Như vậy, tỷ giá ngân hàng chỉ cách trần 26 VND, trong khi tỷ giá tự do đã vượt trần với khoảng cách khá xa.
Tính từ đầu năm, tỷ giá chính thức đã tăng 600 VND, tương đương 2,6%. Riêng tỷ giá trung tâm đã được NHNN điều chỉnh tăng 1,1%.