Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất tiền gửi sau Tết Nguyên đán

Sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng lại ồ ạt tăng lãi suất tiền gửi để tranh thủ thu hút nguồn tiền “nhàn rỗi” trong dân.
Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất tiền gửi sau Tết Nguyên đán

Như mọi năm, sau Tết, người dân dư dả tiền mặt, để tạo ra lãi suất thì gửi tiết kiệm tại ngân hàng là một trong những kênh được nhiều người quan tâm.

Nắm bắt được tâm lý của người gửi, ngay đầu năm mới, một số ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng lên để hấp dẫn khách hàng gửi tiết kiệm.

Cụ thể, sau Tết, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) là ngân hàng điều chỉnh mức lãi suất huy động cao nhất, lên đến 8,7%/năm. Có cùng mức lãi suất với ngân hàng này là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB). Tiếp đó là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với mức lãi suất 8,6%/năm. Đứng thứ ba là Ngân hàng TMCP Bắc Á với mức lãi suất 8,4%/năm.

Đứng vị trí thứ 4 là Ngân hàng Bảo Việt với mức lãi suất 8,2%/năm. GPBank cũng là ngân hàng có mức lãi suất cao trên 8%/năm.

Tại các ngân hàng tầm trung như: Sacombank, MBBank, Techcombank, ACB…, lãi suất lần lượt là 6,5%/năm; 6,3%/năm; 7%/năm và 6,8%/năm. Tại nhóm ngân hàng lớn có vốn nhà nước chi phối, mức lãi suất niêm yết ở mức tối đa là 5,5%/năm…

Ngoài tăng lãi suất tiền gửi, nhiều ngân hàng thương mại khác như An Bình, Bản Việt, Sacombank, Hàng Hải… cũng hút khách bằng cách có chương trình lì xì cho khách hàng đến gửi tiết kiệm đầu năm mới, tùy theo khoản tiền gửi và kỳ hạn.

Chị Bùi Thu Trang (ở Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, như mọi năm, sau Tết chị thường mang số tiền nhàn rỗi của mình đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Với mức lãi suất huy động hấp dẫn lên tới 8,6%/năm như tại ngân hàng mà chị gửi năm nay, chị hy vọng “lãi mẹ đẻ lãi con”, cuối năm nay chị sẽ thu về một khoản tiền đáng kể để thực hiện kế hoạch làm ăn của mình.

Tương tự, anh Trần Chiến Thắng (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, do không muốn lượng tiền dư dả của mình “nằm chết” một chỗ, anh đã chọn kênh ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm. Với mức lãi suất huy động cao và độ an toàn khi gửi ngân hàng trong những ngày đầu năm mới, anh kỳ vọng, đến cuối năm, anh sẽ thu về một lượng tiền như mong muốn.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, sau Tết, thông thường người dân có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm cao vì trước và trong tết có nguồn thu nhập khá dồi dào. Việc các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động là để kéo khách, thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong cộng đồng. Một số ngân hàng có nhu cầu huy động vốn ở kỳ hạn dài nhằm cơ cấu lại nguồn tiền gửi đáp ứng tiêu chí an toàn vốn theo quy định.

Có cùng ý kiến, chuyên gia tài chính - ngân hàng Bùi Quang Tín cho biết, việc các ngân hàng đua nhau khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng gửi tiết kiệm sau Tết nhằm hút tiền nhàn rỗi, tăng thanh khoản là để đón đầu cầu tín dụng trong các quý tới. Mặt khác, với áp lực Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục tăng lãi suất, các kênh đầu tư khác như: bất động sản, chứng khoán, vàng cũng đang tạo sức ép không nhỏ lên kênh huy động tiền gửi tiết kiệm. Bởi vậy, các ngân hàng phải tăng quyền lợi cho khách hàng nếu muốn thu hút nhiều tiền gửi.

Về mặt bằng lãi suất trong thời gian tới, TS. Tín nhận định: “Năm 2019, áp lực về lãi suất sẽ rất lớn. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% cũng khá nặng nề. Khi lạm phát tăng, tỷ giá tăng sẽ là áp lực khiến lãi suất huy động rất khó giảm so với năm 2018”.

Theo Chung Thuỷ/Vov

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...