Nhiều hứa hẹn khi chuyển đổi từ kinh tế hộ gia đình lên doanh nghiệp

Doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, tiếp cận với hệ thống tín dụng chính thức mà không còn phải chạy vạy vay vốn nhiều rủi ro như trước đây.
Nhiều hứa hẹn khi chuyển đổi từ kinh tế hộ gia đình lên doanh nghiệp

Hiện nay nhiều hộ kinh doanh gia đình không muốn chuyển đổi lên thành doanh nghiệp do ngại thủ tục và chi phí phát sinh. Điều này vừa khiến ngân sách nhà nước thất thu vừa gây mất bình đẳng trong môi trường kinh doanh.

Mặc dù hiện nay, rất nhiều hộ kinh doanh có doanh thu cao, có đội ngũ nhân công đông đảo, nhưng vẫn chọn mô hình kinh doanh hộ gia đình. Trong khi đó, dù có nhiều thuận lợi, song mô hình hộ kinh doanh cũng đã xuất hiện những điểm hạn chế, khiến mô hình này khó có thể phát triển mạnh, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Trước thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ là một bước ngoặt mới, doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn, chất lượng lao động, điều kiện, thu nhập, an toàn, phúc lợi và tính ổn định được nâng lên…

Là chủ một doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh gần 10 năm nay, ông Đỗ Hồng Chiêu, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ An Huy, xã Hà Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, từ khi chuyển lên thành doanh nghiệp, doanh nghiệp của ông đã phát triển ở quy mô lớn hơn, sản xuất kinh doanh bài bản hơn. Mặc dù chỉ là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng công ty cũng được hưởng ưu đãi vốn, chính sách, thuế suất xuất khẩu 0%.

Ông Đỗ Hồng Chiêu chia sẻ: Hộ kinh doanh mang tính chất nhỏ lẻ và tính tự phát nhiều hơn. Khi trở thành doanh nghiệp thì có quy mô lớn hơn, bài bản hơn. Về tư cách pháp nhân được đại diện trước pháp luật ký kết các hợp đồng với đại diện các công ty trong nước, với các cơ quan Nhà nước, thậm chí ngành hàng của công ty là 70% xuất khẩu, xuất khẩu đi nước ngoài với tư cách pháp nhân thì mới đảm bảo được tính pháp lý.

Có thể thấy những lợi ích mà các hộ kinh tế gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp là khá lớn, tuy nhiên, trước hàng loạt những khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, phí… nhiều hộ kinh tế tư nhân vẫn còn do dự khi quyết định chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để có thể dễ dàng thực hiện và đạt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì cần phải có động cơ kéo và đẩy. Động cơ đẩy để hộ kinh doanh có động lực và hiểu rõ, khi chuyển thành doanh nghiệp sẽ được hưởng thuận lợi hơn về thủ tục thuế và thấy được cơ hội lớn nhanh, lớn mạnh hơn. Còn động cơ kéo là môi trường kinh doanh lành mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, thực tế có nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn không kém gì doanh nghiệp nhưng trách nhiệm với người lao động, nhất là trách nhiệm thuế, nghĩa vụ với Nhà nước lại thấp hơn so với nhiều doanh nghiệp đang hoạt động công khai, minh bạch.

Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định, hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, trước hết họ sẽ được tiếp cận vốn và các nguồn lực khác dễ hơn. Chẳng hạn với mô hình doanh nghiệp như công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần với hình thức huy động vốn hoặc vốn góp, thậm chí những công ty lớn hơn có thể huy động trên thị trường chứng khoán thì đây là một cách thức để lớn lên huy động vốn.

Để hộ kinh doanh thật sự thấy hào hứng khi “lên đời” doanh nghiệp, nhiều chuyên gia khuyến nghị, nên cải cách môi trường kinh doanh, tính đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong quá trình thúc đẩy hộ kinh doanh lên doanh nghiệp nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là “mệnh lệnh hành chính”.

Từ đầu năm tới, Luật đưa ra chương trình hỗ trợ có mục tiêu hướng vào doanh nghiệp mới thành lập, chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, tiếp cận với hệ thống tín dụng chính thức mà không còn phải chạy vạy vay vốn phi chính thức nhiều rủi ro như trước đây.

Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân cho rằng: Nếu như cứ để hộ gia đình người ta quanh quẩn kinh doanh theo mô hình nhỏ, không đánh giá được như thế nào là hiệu quả nhất. vậy khi chuyển sang thành doanh nghiệp Nhà nước sẽ có chương trình hỗ trợ, hỗ trợ cho các chuyên gia, hỗ trợ lẫn chuyên môn cho việc kê khai sổ sách, hỗ trợ trong việc lập các đề án kinh doanh, phân tích đánh giá chiến lược kinh doanh. Những việc đó nếu hộ gia đình thắc mắc, thậm chí được lời khuyên được thêm hoạt động như thế và tự trình độ của họ sẽ nâng lên, doanh nghiệp làm ăn sẽ phát triển hơn.

Trước những lo ngại và khó khăn mà các hộ kinh tế tư nhân đang phải đối mặt, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, ngành Thuế đang nghiên cứu thêm giải pháp để từng bước quản lý tốt hơn doanh thu của hộ kinh doanh. Đặc biệt, sẽ nghiên cứu giải pháp hỗ trợ để hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ đánh giá những khó khăn thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ thấy được lợi ích về lâu về dài khi thực hiện việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp.

Theo Vov.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...