Tuy nhiên để đánh giá thực chất hoạt động của một ngân hàng thì không chỉ nhìn vào con số lợi nhuận cũng như tỷ lệ nợ xấu được công bố trên báo cáo.
Thông thường nhà đầu tư khi đọc báo cáo tài chính thường chỉ quan tâm đến bảng cân đối kế toán và kết quả kinh doanh, tuy nhiên còn 2 báo cáo rất quan trọng mà ít nhà đầu tư nào chịu xem kỹ hoặc chưa hiểu rõ là bảng lưu chuyển tiền tệ và bảng thuyết minh báo cáo tài chính.
Cần biết rằng bảng lưu chuyển tiền tệ ghi nhận dòng tiền thực ra, thực vào của một doanh nghiệp, do đó sẽ phản ánh thực chất hiệu quả hoạt động của tổ chức. Cụ thể, nếu khoản mục thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trên bảng lưu chuyển tiền tệ thấp hơn nhiều so với thu nhập trên báo cáo kết quả kinh doanh, cho thấy khả năng ngân hàng đang ghi nhận thu nhập ảo vì thực tế chưa thu được lãi từ khách hàng.
Giả sử trong năm, ngân hàng dự thu lãi từ tín dụng đến 10.000 tỷ đồng, nhưng dòng tiền thực của thu lãi trên bảng lưu chuyển tiền tệ chỉ có 9.000 tỷ, như vậy 1.000 tỷ thực tế vẫn chưa thu được nhưng vẫn được ghi nhận vào thu nhập để tính toán lợi nhuận, trong khi đây là khoản có thể gặp rủi ro không thu được, hoặc ít nhất cũng cho thấy ngân hàng đang bị chiếm dụng vốn và tỷ lệ lãi thực thu ở mức thấp nên hiệu quả kinh doanh không cao.
Cũng có trường hợp thu nhập lãi trên bảng lưu chuyển tiền tệ cao hơn so với trên kết quả kinh doanh, điều này được giải thích là trong năm, ngân hàng có thể đã thu được những khoản lãi quá hạn hoặc những khoản lãi đã thoái thu trước đây, do đó lãi thực thu cao hơn nhiều so với lãi dự thu từ tín dụng.
Tương tự, có thể nhìn vào khoản mục lãi và phí phải thu trên bảng cân đối kế toán để đánh giá hiệu quả thu lãi của tổ chức tín dụng. Nếu con số này quá lớn so với quy mô dư nợ hiện tại cho thấy hiệu quả thu lãi của ngân hàng không tốt. Có thể nhiều khoản lãi dự thu đã được ghi nhận và hạch toán vào thu nhập và lợi nhuận của những năm trước, tuy nhiên thực tế cho đến nay vẫn chưa thu được và những khoản này nếu xử lý bằng cách thoái thu có thể ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh trong năm.
Đây là lý do vì sao trước đây có luận điểm cho rằng ngân hàng đang ăn mòn vào lợi nhuận trong tương lai. Một ngân hàng hoạt động bình thường thì tỷ lệ các khoản lãi và phí phải thu trên dư nợ bình quân chỉ ở mức 2 - 3%, nếu trên 5% là cần chú ý và nếu trên 10% là rủi ro cao.
Theo quy định của Bộ Tài chính, sau 6 tháng lãi dự thu nếu chưa thu được hoặc khi chuyển nợ quá hạn thì phải thoái ra, tuy nhiên thực tế là nhiều tổ chức tín dụng vẫn chưa chuyển đúng nợ quá hạn và cũng không muốn thoái thu lãi do lo ngại ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận.
Về nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu thì cần đọc thuyết minh báo cáo tài chính để biết chi tiết từng nhóm nợ, trong đó nếu nợ nhóm 5 cao là cần đặc biệt chú ý, vì nợ nhóm 5 theo quy định hiện tại sẽ trích lập chi phí dự phòng đủ 100%. Tuy nhiên, nợ xấu trong chất lượng nợ vay có thể vẫn chưa phản ánh đầy đủ chất lượng tín dụng thực tế của đơn vị, vì có thể đơn vị vẫn chưa chuyển nhóm theo đúng quy định. Các khoản vay đã được tái cơ cấu có thể chưa thể hiện đúng nhóm, trong khi đây là những khoản cũng có rủi ro cao.
Nhà đầu tư cũng cần nhìn vào lượng trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để tính toán chất lượng tín dụng của đơn vị. Nếu trái phiếu đạc biệt của VAMC cao đồng nghĩa với đơn vị đã bán nợ khá lớn cho VAMC. Thông trường giá trị trái phiếu có thể bằng 90 - 95% giá trị nợ gốc bán.
Đọc thuyết minh cũng cho thấy các khoản nợ khoanh đang chờ xử lý nếu có của tổ chức tín dụng. Thực tế vẫn còn một số ngân hàng đang có những khoản vay đối với tập đoàn nhà nước trước đây như Vinashin hay Vinalines đang được khoanh lại chờ xử lý theo sự cho phép của Chính phủ.
Các khoản mục cam kết ngoại bảng cũng cần được chú ý, nhất là cam kết bảo lãnh vay vốn và cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng. Nhiều khoản bảo lãnh của ngân hàng cho khách hàng dù không thu được theo đúng hạn nhưng vẫn chưa chuyển sang cho vay bắt buộc vì lo ngại phải chuyển thành nợ xấu và trích lập dự phòng, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Trong thuyết minh phải giải thích rõ chất lượng của những khoản cam kết ngoại bảng này.
Khoản phải thu trên cân đối kế toán cũng là khoản mục cần được lưu tâm vì nhiều ngân hàng có số dư rất lớn do dùng để che giấu nhiều khoản mục có khả năng mất mát hoặc thậm chí là các khoản nợ xấu. Mục tài sản có khác thường là các khoản ủy thác đầu tư, nghiệp vụ repo (nghiệp vụ phái sinh từ các nghiệp vụ cho vay có đảm bảo hay ủy thác đầu tư), tài sản cấn trừ nợ nhưng chưa sang tên cho ngân hàng. Nghiệp vụ repo thực chất cũng là cho vay và do đó cũng có thể gặp phải những rủi ro tín dụng.
Theo Doanhnhansaigon