Những góc nhìn khác về vụ mất 245 tỷ gửi tại Eximbank

Với 28 năm kinh nghiệm trên thương trường, trải qua nhiều biến cố, hơn ai hết Eximbank sẽ thấu hiểu được giá trị của niềm tin từ khách hàng...
Những góc nhìn khác về vụ mất 245 tỷ gửi tại Eximbank

Thời gian qua, dư luận lại xôn xao về những vụ việc mất tiền của khách hàng Vip tại các ngân hàng, mà gần đây nhất là vụ 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình tại Chi nhánh Eximbank TP. Hồ Chí Minh.

Từ vụ 245 tỷ đồng tại Eximbank, làn sóng cảnh báo về các vụ việc thất thoát tiền gửi tiết kiệm lại dâng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Từ người dân bình thường, các chuyên gia, cán bộ quản lý các ngân hàng cho đến lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đều có những động thái nhất định trước tình hình quản trị rủi ro tại các ngân hàng.

Tuy nhiên, vụ 245 tỷ tại Eximbank cần được nhìn dưới nhiều góc độ để có sự đánh giá khách quan và tích cực hơn.

Góc nhìn pháp lý

Dưới góc độ pháp lý, quan hệ gửi tiền của Bà Chu Thị Bình tại Eximbank đơn thuần chỉ là giao dịch dân sự giữa tổ chức nhận tiền gửi (Eximbank) và cá nhân (Bà Chu Thị Bình). Và các thẻ tiết kiệm mà Bà Chu Thị Bình đang nắm giữ chính là chứng thư có giá trị pháp lý thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên.

Về nguyên tắc, Bà Chu Thị Bình hoàn toàn có thể căn cứ vào các thể tiết kiệm do Eximbank phát hành cho mình để đòi lại số tiền đã gửi tại Eximbank (bao gồm cả tiền lãi theo lãi suất được in trong sổ tiết kiệm). Đương nhiên, quyền đòi lại tiền của Bà Chu Thị Bình phải đảm bảo nguyên tắc Bà Chu Thị Bình không cấu kết hay hợp tác với Ông Lê Nguyễn Hưng - Nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Eximbank để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của Eximbank. Theo kết luận của cơ quan điều tra, Eximbank là bên bị thiệt hại và Bà Chu Thị Bình là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Như vậy, bỏ qua yếu tố tội phạm hình sự của Ông Lê Nguyễn Hưng, thì hợp đồng tiền gửi giữa Eximbank và Bà Chu Thị Bình vẫn còn nguyên giá trị. Bởi lẽ, ngân hàng không thể phủ nhận giá trị pháp lý của sổ tiết kiệm do chính mình phát hành.

Về phía ngân hàng, Eximbank cũng có lý do khi chờ phán quyết của toà án để làm cơ sở giải quyết cho khách hàng. Bởi lẽ, theo quy định pháp luật Việt Nam: bản án, quyết định của toà án hay của trọng tài thương mại mới là những phán quyết có giá trị sau cùng trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, tranh chấp thương mại. Và dưới góc độ nào đó, chính Bà Chu Thị Bình cũng có lỗi khi đã ký trước các giấy uỷ quyền mà để trống tên người được uỷ quyền.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng lỗi của Bà Chu Thị Bình không phải là lỗi cơ bản dẫn đến việc thất thoát; mà lỗi chính ở đây chính là công tác quản trị rủi ro của ngân hàng, thực hiện chưa đúng quy trình mới là lỗi trực tiếp dẫn đến hậu quả là Ông Lê Nguyễn Hưng rút tiền gửi tiết kiệm của Bà Chu Thị Bình. Thực tế, quy chế gửi tiết kiệm của các ngân hàng rất chặt chẽ: giấy uỷ quyền hoặc là được công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền hoặc là cả người uỷ quyền và người được uỷ quyền phải trực tiếp đến trụ sở ngân hàng để thực hiện việc uỷ quyền. Ngoài ra, khi thực hiện tất toán hoặc rút một phần tiền từ các sổ tiết kiệm về nguyên tắc các ngân hàng đều yêu cầu khách hàng (hoặc người được uỷ quyền) xuất trình bản chính sổ tiết kiệm.

Tinh thần pháp luật Việt Nam nói chung là luôn đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể và ưu tiên bảo vệ quyền lợi của "kẻ yếu" trong các tranh chấp liên quan đến hợp đồng. Ở đây, khách hàng gửi tiền được xem là "kẻ yếu", bởi lẽ ngân hàng là tổ chức chuyên nghiệp, có đội ngũ nhân sự có trình độ, có chuyên gia và đầy đủ công cụ về quản lý hơn so với người dân khi gửi tiết kiệm.

Góc nhìn của người kinh doanh

Ngân hàng là tổ chức kinh doanh bằng uy tín, bằng niềm tin của khách hàng. Đây được xem là vấn đề quyết định sự sống còn của một ngân hàng. Do đó, trong mọi trường hợp các doanh nghiệp nếu phải lựa chọn giữa chi phí và uy tín thì việc chọn giữ gìn uy tín luôn được ưu tiên. Với 28 năm kinh nghiệm trên thương trường, trải qua nhiều biến cố, hơn ai hết Eximbank sẽ thấu hiểu được giá trị của niềm tin từ khách hàng.

Là một doanh nhân, khách hàng cũng hiểu rằng những xôn xao từ dư luận cũng không có lợi cho hoạt động kinh doanh của mình. Và thực tế, các bên đều cảm nhận được những tác động không tốt từ thị trường qua vụ việc trên.

Cả ngân hàng và khách hàng trong trường hợp này đều có quyền lựa chọn giữa thoả thuận và con đường đi qua cổng toà án. Tuy nhiên, với giới kinh doanh thì ai cũng hiểu rằng "vô phúc đáo tụng đình". Hợp đồng tiền gửi được xác lập bởi niềm tin và sự thoả thuận, do đó các bên cần bình tĩnh giải quyết vấn đề bằng biện pháp nhanh và hài hoà cho mỗi bên. Những hành động, ứng xử đi ngược với quy luật của thị trường là "hợp tác vì lợi ích của các bên" thì tất yếu sẽ bị chính thị trường trừng phạt.

Vấn đề quản trị nhân sự

Qua vụ 245 tỷ tại Eximbank, nhiều ngân hàng đã tăng cường công tác quản trị rủi ro, công nghệ, bảo mật và khuyến cáo khách hàng bằng rất nhiều phương thức khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu khởi nguồn của các vụ thất thoát tiền gửi chính là vấn đề đạo đức cán bộ, nhân viên ngân hàng. Vì thực tế, các ngân hàng đều có những quy trình nghiệp vụ rất chặt chẽ, cộng với thiết bị công nghệ giám sát tân tiến thì không thể thất thoát được nếu như không có sự biến chất của nhân tố con người - chủ thể của mọi hành vi sai phạm.

Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh là Chi nhánh lớn nhất trong hệ thống Eximbank, là đầu tàu về kinh doanh cũng như về chất lượng nghiệp vụ của nhân viên. Do đó, với một cá nhân rất khó để thực hiện tất cả các hành vi sai trái với số tiền lớn như vậy được. Qua vụ việc trên, các ngân hàng trước tiên cần quan tâm đến công tác đào tạo về đạo đức cho cán bộ, trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp cho nhân viên, phải dạy nhân viên biết nói không với các chỉ đạo trái quy định ngay từ khi mới tiếp nhận nhân viên vào thử việc.

Tuy nhiên, quản lý sản phẩm, công nghệ hay quy trình...thì có những khuôn khổ, công thức để thực hiện. Còn quản lý con người, quản lý đạo đức, suy nghĩ và hành động của nhân viên là một việc làm không đơn giản. Nó đòi hỏi sự sát sao, nhạy cảm và tinh tế trong mối quan hệ, giao tiếp để cảm nhận những biểu hiện bất thường của đồng nghiệp. Vì thế, quản trị rủi ro từ đạo đức của nhân viên mới là yêu cầu cấp thiết mà các ngân hàng cần đặc biệt quan tâm hiện nay. Trên thực tế, điểm qua hàng loạt đại án ngân hàng, các vụ thất thoát, chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng thì nguyên nhân của mọi nguyên nhân đều xuất phát từ sự suy đồi, biến chất và tha hoá của chính cán bộ ngân hàng chứ không phải từ lỗ hổng của quy trình nghiệp vụ.

Và có ai đã từng đặt câu hỏi vì sao với một cán bộ được đánh giá là giỏi nghiệp vụ, giàu tâm huyết với gần 20 năm gắn bó và cống hiến cho Eximbank như ông Lê Nguyễn Hưng phút chốc lại phạm phải sai lầm quá lớn như vậy hay chưa? Và đâu đó chắc cũng có những suy đoán: phải chăng ông Hưng dính vào cờ bạc hay cá độ bóng đá (?) hay vì một lý do nào khác... Vì chỉ với con đường đó mới nhanh chóng biến ông Lê Nguyễn Hưng chọn con đường vi phạm pháp luật. Sự thật nguyên nhân vì sao dẫn đến sai phạm của ông Lê Nguyễn Hưng sẽ rõ khi cơ quan chức năng bắt được và truy tố ông Hưng tại toà. Tuy nhiên, tác giả tin rằng nếu tinh tế, những người đồng nghiệp của ông Lê Nguyễn Hưng tại Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh sẽ cảm nhận được những biểu hiện bất thường trong thời gian dài của ông Hưng trước khi ông ta trốn sang Mỹ.

Tạm kết

Khép lại vụ 245 tỷ tại Eximbank, như đã nêu ở trên, có lẽ con đường vẹn toàn cho cả hai không gì khác ngoài việc thoả thuận. Trong vụ việc dân sự, thoả thuận luôn là phương án tối ưu mà các bên cần lựa chọn. Bởi lẽ, nếu chọn con đường khởi kiện và giải quyết tại toà án thì các bên đều mất rất nhiều thời gian, chi phí tham gia tố tụng, chi phí cơ hội và uy tín kinh doanh...

Đối với người dân - khách hàng của các ngân hàng cần bình tĩnh trong mọi trường hợp. Pháp luật Việt Nam luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân nên những hành vi vi phạm của người khác sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, người dân cần tự bảo vệ quyền lợi của mình thay vì quá tin tưởng vào một ai đó rồi khi có sự cố lại chỉ biết trông chờ cơ quan chức năng hay cầu mong sự may mắn để lấy lại được tiền. 

Dẫu vậy, người dân không cần phải quá hoang mang kiểm tra các bước như một số chuyên gia khuyến nghị khi mà đã đến trực tiếp trụ sở ngân hàng để gửi tiết kiệm và được cấp sổ tiết kiệm có ký tên, đóng dấu của ngân hàng. Bởi không phải ai cũng có thể tiếp cận Internet để vào Internet banking để kiểm tra số dư. Và việc qua Chi nhánh khác để kiểm tra số dư là việc làm không cần thiết. Nếu có chăng, khách hàng nên sử dụng sịch vụ SMS banking để được thông báo số dư tự động, số dư tài khoản tiết kiệm.

Đối với các ngân hàng, cần quan tâm nhiều hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cho nhân viên. Cần trang bị bản lĩnh nghề nghiệp và có quy chế mở, khen thưởng những nhân viên dám mạnh dạn tố cáo hành vi sai phạm để nhân viên cấp dưới đủ tự tin để tố giác và không hợp tác với chỉ đạo sai trái của cấp trên. Và hơn hết, người cán bộ ngân hàng cần sâu sát trong quản lý nhân viên để phát hiện những biểu hiện bất thường của nhân viên để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn mọi rủi ro từ khi mới manh nha hình thành.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để giải quyết kịp thời và dứt điểm các trường hợp tương tự như vụ việc đã xảy ra tại Eximbank và có những can thiệp cần thiết để tạo niềm tin cho người dân.

Minh Ngọc/Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh hội thảo

Để ESG dẫn dòng tín dụng

Ngành ngân hàng đang thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh...

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...