Nợ xấu, để lâu rất nguy hiểm(?!)

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, các đại biểu sẽ cân nhắc kỹ trước khi quyết định “bấm nút” thông qua một văn bản cấp thiết với hệ thống ngân hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế, đó là Nghị quyết của Chính
Nợ xấu, để lâu rất nguy hiểm(?!)

Dự đoán trong phiên thảo luận Tổ chiều mai 26/5, tranh luận về Dự thảo có thể còn… “nảy lửa”

Đe doạ an ninh tiền tệ Quốc gia

Là cơ quan chủ trì thẩm tra, trong quá trình “đồng hành”, TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế quốc hội với nhiều lần làm việc “xới” kỹ về nợ xấu cũng phải băn khoăn khi nhận thấy dù NHNN, Cơ quan chính phủ rất cố gắng nhưng đang… lực bất tòng tâm. “Nhiều trường hợp sai phạm không dừng lại xử phạt hành chính mà phải xử lý hình sự. “Lượng nợ xấu lớn đe dọa nghiêm trọng không chỉ hệ thống tài chính mà toàn bộ hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia”, TS Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Theo ông, đây là lý do lần đầu tiên tại Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã lưu ý về đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ nợ (các TCTD). Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn dự thảo một văn bản pháp quy để xử lý nợ xấu trên tinh thần triển khai ngay khi được thông qua chứ không phải chờ đợi 6 tháng có hiệu lực như Nghị quyết thông thường. “Nghị quyết này xây dựng trên quan điểm chỉ đạo của Đảng, đoàn Quốc hội không sử dụng ngân sách, không trái Hiến pháp, giới hạn thời gian có hiệu lực của Nghị quyết, không loại trừ trách nhiệm cá nhân gây ra nợ xấu. Và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ nợ”, ông Kiên nhấn mạnh.

Tại hội thảo nợ xấu và chính sách pháp luật chiều tối 24/5, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh một lần nữa nhấn mạnh: mấu chốt làm tắc xử lý nợ xấu đó là quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm còn bất cập, không bảo đảm quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm (ở đây chính là ngân hàng) và thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án thường kéo dài. ”Pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm. Vướng mắc này liên quan đến nhiều luật hiện hành nên để tháo và đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, cần thiết phải có một văn bản pháp lý do Quốc hội ban hành mới đảm bảo tính pháp lý và khả thi trong tổ chức thực hiện”, Phó Thống đốc Kim Anh chia sẻ.

Bất lực vì sao?

Theo báo cáo mới nhất của các TCTD (tháng 9/2016), tổng số nợ xấu của các TCTD trong nội bảng và bao gồm cả nợ bán VAMC cỡ vào khoảng 400 nghìn tỷ, tương đương vào khoảng 5,8%/tổng dư nợ. Nếu cộng cả những khoản nợ tiềm ẩn (nhóm 4,5) đã được chuyển đổi, tái cơ cấu theo Quyết định 780, Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, thì nợ xấu lên tới hơn 600 nghìn tỷ, chiếm 10,8 %/tổng dư nợ tín dụng.

Một câu hỏi tiếp tục đặt ra và “xoáy”, đó là tại sao đã có cơ chế, có hẳn một công ty xử lý nợ xấu - VAMC mà đến giờ này, hệ thống ngân hàng vẫn “xoay xở” chưa dứt điểm? Theo những người trong cuộc được xem là “khổ chủ” nợ xấu, suốt 3 năm qua, họ phải đối mặt quá nhiều với việc rất nhiều khách hàng, doanh nghiệp (con nợ) chây ỳ, cố tình dây dưa không trả. Thậm chí, ngay cả khi tranh chấp đưa ra toà, vụ việc có thể vì một lý do khách quan hay chủ quan nào đó hoặc được “ngâm” thêm một thời gian hoặc bị trì hoãn chưa thi hành án được.

Một nữ cán bộ phụ trách xử lý nợ xấu Vietcombank từng kể than: “Chúng tôi học hành theo nghiệp vụ ngân hàng, nhưng phải đi làm y nghiệp vụ bên thám tử, công an. Có lần, chỉ riêng lần theo dấu vết khách hàng (con nợ) bỏ trốn, cán bộ ngân hàng tôi đã mất cả tháng trời bởi cứ vừa tìm thấy địa chỉ này, con nợ đã lẩn sang nơi ở khác khiến cán bộ ngân hàng rất mệt mỏi, tốn kém chi phí thì không biết tính vào đâu. Đã vậy, khi đề nghị trả nợ, nài nỉ xin họ hợp tác, có người còn ngang nhiên chây ỳ không trả trong khi vẫn có tiền”.

Ảnh hưởng quyền lợi người gửi tiền

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cũng ví nợ xấu giống như sản phẩm tồn đọng, như hàng hoá khuyết tật, như đồ dùng quá hạn, như thời trang lỗi mốt. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là phải giải quyết thanh lý, hạ giá, giải toả càng nhanh càng tốt.

TCTD không thu hồi được nợ xấu, điều gì sẽ xảy ra? Theo LS Trương Thanh Đức, điều này ảnh hưởng trực tiếp và nguy hiểm đến việc cho vay. “Không thu được nợ thì cũng đồng nghĩa với không có khả năng cho vay. Thu được nợ càng ít thì cho vay càng ít và lãi suất càng cao. Kinh doanh kém hiệu quả ảnh hưởng lớn đến khả năng thanh khoản, khả năng chi trả các khoản tiền gửi đến hạn đã huy động để cho vay trước đây (tiền gửi của cá nhân). Như vậy, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đa số người gửi tiền”, Luật sư Đức phân tích.

Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Nguyễn Văn Thân đồng tình cho rằng, NH khi cho vay cũng phải rất cẩn thận để có thể đảm bảo thu hồi được lại. Bởi người dân tin tưởng gửi vào NH để cho họ kinh doanh, nên để mất tiền họ còn xót hơn. Vì thế, cần tôn trọng quyền thu hồi TSBĐ của NH đẩy nhanh xử lý nợ xấu, để lâu rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

Theo đại biểu Quốc hội TS Trần Hoàng Ngân, việc ra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu trong thời điểm này là cần thiết để tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu.

Theo Khánh Huyền/ Tiền Phong

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...