Ông Trương Trọng Nghĩa: "Thiết kế đặc khu ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư"

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng 23/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn trước đề xuất thành lập tới 3 đặc
Ông Trương Trọng Nghĩa: "Thiết kế đặc khu ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư"

"Chỉ nên làm trước một đặc khu để rút kinh nghiệm, không nên làm đồng loạt. Lò đã nóng lắm rồi, làm đồng loạt dễ có sai sót, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời”, ông Nghĩa nói. 

Vị đại biểu TP HCM không tán thành việc dự Luật thiết kế quá nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư chiến lược nói riêng, thậm chí có phần dễ dãi khi đưa ra cơ chế.

Cụ thể, ông phân tích, việc lập các đặc khu không chỉ đơn thuần là phê chuẩn đơn vị hành chính mà Nhà nước dành ra nhiều nghìn km đất liền, vùng biển với tài nguyên thiên nhiên giàu đẹp để mời gọi đầu tư; ngân sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp vào hạ tầng các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này cả chục nghìn tỷ đồng.

"Theo đề án xây dựng 3 đặc khu, tổng mức đầu tư sẽ là 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó ngân sách bỏ ra khoản không nhỏ. Dự luật có nhiều quy định theo hướng ưu đãi hào phóng cho việc thuê đất, thuê mặt nước,... rồi tới đây là thay đổi trong bộ máy hành chính, rất nhiều gia đình có thể sẽ phải di dời để có mặt bằng phát triển và những việc này đều để phục vụ cho nhà đầu tư", ông Nghĩa nói. 

Từ phân tích trên, đại biểu Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ, trong 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa, tất cả khoản đầu tư trên đem lại lợi ích như thế nào và những ai được hưởng lợi? 

"Cử tri mong muốn rằng, với sự đầu tư lớn như vậy, đất nước phải được nhiều lần so với chi phí bỏ ra. Ba đặc khu phải giúp kinh tế phát triển xanh, sạch hơn; chủ quyền lãnh thổ được bảo vệ vững chắc; thành phố văn minh, thịnh vượng", ông Nghĩa cho biết.

Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý, có những quốc gia đến đầu tư ở nơi khác chỉ quan tâm lợi ích kinh tế, nhưng cũng có nước lại cần tài nguyên, đất đai để di dân phục vụ mục tiêu chiến lược về chính trị, an ninh, quốc phòng...

"Chúng ta phải có chế tài chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm", đại biểu nói và đề nghị, Ban soạn thảo dự luật rà soát để quy định chặt chẽ hơn về các ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược, thiết kế đặc khu để thu hút nhà đầu tư công nghệ cao chứ không chỉ bất động sản, casino...

Tranh cãi về quy định giao đất 99 năm cho nhà đầu tư

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng, quy định việc cho thuê đất với thời hạn 99 năm (thay vì tối đa 70 năm) sẽ tạo ra ưu thế vượt trội để thu hút đầu tư. “Nếu chúng ta không đưa thời hạn cho thuê đất 99 năm vào luật, nhà đầu tư sẽ so sánh với các nước khác đã thực hiện chính sách khuyến khích trên”, ông Thân nêu quan điểm.

Bấm nút tranh luận với đại biểu Thân, ông Dương Trung Quốc nêu câu hỏi: “Không biết đại biểu Thân nói nhiều nơi chấp nhận điều kiện 99 năm thì cụ thể là những nơi nào trên thế giới?”.

Theo ông Quốc, khi nói đến đặc khu nghĩa là thử nghiệm thể chế, mà đã thử nghiệm thì có thể thất bại, có thể thành công nên không thể phiêu lưu.

Mặt khác, về địa chính trị, với đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), nếu không cẩn thận trong ưu đãi thời hạn cho thuê đất thì sẽ tạo hệ luỵ biến đặc khu thành nơi di dân. 

“Chúng ta là những người sống ở thời đương đại, liệu có thể đại diện cho thế hệ con cháu 100 năm nữa không”, ông Quốc nói.

Dẫn thực tế một số quốc gia đã bỏ số tiền lớn gấp nhiều lần giá trị thực tế để mua cả một vùng đất, cảng biển bên ngoài lãnh thổ của họ, ông Quốc cảnh báo cần hết sức thận trọng với đề nghị cho thuê đất lên đến 99 năm và Quốc hội cần biểu quyết riêng về điều này khi thông qua Luật.

Chung quan điểm, ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị bỏ quy định giao đất 99 năm tại dự thảo luật. "Thời hạn như vậy ngang với 3-4 thế hệ con người, chúng ta không nên cho phép như vậy", ông Nghĩa dứt khoát. 

Theo chương trình dự kiến, ngày 15/6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Theo Vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...