Phiên tòa sáng 9/1: Phạm Công Danh dùng tiền gửi tại TPBank trả nợ thay cho 11 công ty, gây thiệt hại 1.740 tỷ đồng

Phạm Công Danh và đồng phạm bị cáo buộc gửi tiền sang ngân hàng Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty, gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 tỷ đồng.
Phiên tòa sáng 9/1: Phạm Công Danh dùng tiền gửi tại TPBank trả nợ thay cho 11 công ty, gây thiệt hại 1.740 tỷ đồng

Sáng nay, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo khác tiếp tục đưa ra xét xử. Đây là vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Mở đầu phiên tòa, chủ tọa gọi bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân lên xác nhận việc bị cáo này từ chối luật sư bào chữa và thực hiện quyền tự bào chữa. Bị cáo Phan Minh Tùng cũng từ chối luật sư do gia đình thuê.

3 bị cáo gồm Trầm Bê, Phạm Công Danh, Nguyễn Việt Hà do sức khỏe yếu được ngồi nghe cáo trạng. Các bị cáo khác phải đứng dậy nghe cáo trạng.

Phạm Công Danh và đồng phạm bị cáo buộc gửi tiền sang ngân hàng Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty, gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 tỷ đồng

Giữa năm 2013, VNCB đang có khoản nợ 2.600 tỷ đồng tại Ngân hàng BIDV từ năm 2012 đã đến hạn trả nợ (tại chi nhánh Sở giao dịch 2 là 1.700 tỷ đồng và tại chi nhánh Hải Vân là 900 tỷ đồng). Để có nguồn tiền thanh toán thì ngày 23/3/2013, Phạm Công Danh đã chỉ đạo lập biên bản họp HĐQT VNCB rồi ban hành Nghị quyết số 15 về việc thống nhất dùng số dư tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng của VNCB tại các tổ chức tín dụng làm tài sản bảo đảm cho các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng mà VNCB có tiền gửi ở thị trường 2, lý do là dùng chi cho chăm sóc khách hàng…của VNCB. Giao cho ban Tổng giám đốc, giám đốc khối kinh doanh liên hệ các tổ chức tín dụng hoàn tất các thủ tục vay vốn, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ thực hiện các thủ tục cần thiết để đảm bảo tính thanh khoản cho Ngân hàng. Biên bản họp có đến 3 thành viên không họp, chỉ ký hợp thức.

Triển khai thực hiện nghị quyết trên, khoảng giữa tháng 4/2013, Phạm Công Danh đến Sacombank để liên hệ vay tiền. Phạm Công Danh trực tiếp gặp Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank trình bày lý do mình cần có tiền nhưng không vay được tiền tại ngân hàng VNCB và đề nghị Trầm Bê cho Danh vay tiền. Giữa Trầm Bê và Phạm Công Danh có mối quan hệ từ khi Trầm Bê còn ở Ngân hàng TMCP Phương Nam, đồng thời, Trầm Bê cũng biết Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, không thể vay được tiền tại VNCB nên Trầm Bê đã đồng ý cho Danh vay tiền nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi.

Sau đó, Trầm Bê đưa Danh đến gặp Phan Huy Khang-Tổng giám đốc Sacombank. Tại đây, Trầm Bê, Phan Huy Khang và Phạm Công Danh đã thống nhất: Ngân hàng Sacombank sẽ cho Phạm Công Danh vay từ 1.300 tỷ đồng đến tối đa 1.800 tỷ đồng nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi. Sau đó vài ngày, Phạm Công Danh đến gặp Khang, Khang mời Trầm Bê xuống phòng làm việc của mình, Khang báo cáo Trầm Bê nội dung: Khang đã bàn bạc cho Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB.

Tại ngân hàng VNCB, Phạm Công Danh phân công và giao cho Phan Thành Mai-Tổng giám đốc VNCB đảm nhiệm chính, chuẩn bị nguồn tiền để bảo lãnh.

Nguyễn Quốc Viễn là trưởng ban kiểm soát VNCB hoàn thành thủ tục hồ sơ vay khống theo phương án kinh doanh bất động sản của các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Mai Hữu Khương giao cho Phan Minh Tùng, phụ trách bộ phận kế toán hỗ trợ cho Mai Hữu Khương lập khống một số tài liệu về tài chính của các công ty đứng tên vay tiền.

Mai Hữu Khương và Nguyễn Quốc Viễn đến ngân hàng Sacombank gặp Phan Đình Tuệ và đem theo 6 bộ hồ sơ pháp nhân (bản photocopy) và bản phân chia vốn vay cho 6 công ty (công ty của Phạm Công Danh) chuyển đến Sacombank để nắm được chủ trương, kế hoạch vay. Theo cáo trạng, sau đó, Mai Hữu Khương chỉ đạo Phan Minh Tùng lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống để hoàn thiện 6 hồ sơ vay của 6 công ty tại Sacombank. Mai Hữu Khương trực tiếp lập khống 3 bản thỏa thuận 3 bên hợp tác kinh doanh bất động sản, 3 bản hợp đồng đặt cọc 2 bên, 3 bản hợp đồng đặt cọc 3 bên cho 6 công ty mua bất động sản của 2 công ty của Phạm Công Danh là Tập đoàn Thiên Thanh Long Hải (khu Long Hải Beach Resort) và Tập đoàn Thiên Thanh (đất 209 đường Trường Chinh và Khách sạn Green plaza Đà Nẵng). Khương giao cho Viễn lập khống 6 bản giấy đề nghị vay vốn ngắn hạn cho 6 công ty và 6 bản phương án vay vốn ngắn hạn cho 6 công ty trên cơ sở tài liệu do Phan Minh Tùng và Mai Hữu Khương lập cho từng công ty để hoàn thiện hồ sơ vay vốn của 6 công ty tại Sacombank.

Các tài liệu lập khống được Mai Hữu Khương và Nguyễn Thị Quỳnh Trang gọi 6 giám đốc các công ty ký đóng dấu và chuyển đến cho Phạm Hùng, Tống Nguyễn Khoa Trí là chuyên viên khách hàng của Sacombank, chi nhánh Hưng Đạo và Nguyễn Đăng Hưng chuyên viên khách hàng của Sacombank, chi nhánh quận 8. Đầu giờ chiều ngày 26/4/2013, Mai Hữu Khương gọi 6 giám đốc công ty nêu trên đến 302 Tô Hiến Thành, quận 10 để ký các hợp đồng do cán bộ của Sacombank, chi nhánh Hưng Đạo và chi nhánh quận 8 soạn sẵn đem đến gồm: Hợp đồng bảo lãnh cầm cố giấy tờ có giá do Sacombank phát hành, hợp đồng tín dụng từng lần, giấy nhận nợ, giấy đề nghị mở tài khoản. Nguyễn Thị Ngọc Linh, văn thư Tập đoàn Thiên Thanh đóng dấu giám đốc (dấu do Linh quản lý). Cụ thể:

-Nguyễn An Vinh, giám đốc Công ty Nhất Nhất Vinh ký hoàn tất các loại tài liệu khống, ghi ngày 25/4/2013 do Phan Minh Tùng, Mai Hữu Khương và Nguyễn Quốc Viễn lập để hoàn tất hồ sơ vay vốn ngắn hạn tại Sacombank, chi nhánh Hưng Đạo 250 tỷ đồng, mục đích sử dụng vốn vay là kinh doanh bất động sản, cụ thể: Hợp tác với Công ty Quốc Thắng mua bất động sản là Khu du lịch Kỳ Vân Gold V- Long Hải (đất diện tích 53.882 m2, diện tích xây dựng 9.532 m2), giá 893,72 tỷ đồng.

-Nguyễn Ngọc Thái, Tổng giám đốc Công ty Quốc Thắng ký các loại tài liệu khống dao Phan Minh Tùng, Mai Hữu Khương và Nguyễn Quốc Viễn lập, ghi ngày 25/4/2013 để hoàn tất hồ sơ vay vốn ngắn hạn tại Sacombank, chi nhánh Hưng Đạo 350 tỷ đồng, mục đích sử dụng vốn vay là để kinh doanh bất động sản, cụ thể: Hợp tác với Công ty Nhất Nhất Vinh mua bất động sản là Khu du lịch Kỳ Vân Gold V- Long Hải (đất diện tích 53.882 m2, diện tích xây dựng 9.532 m2, giá 893,72 tỷ đồng.

-Lê Đài, Tổng giám đốc Công ty Bảo Gia ký các tài liệu khống do Phạm Minh Tùng, Mai Hữu Khương và Nguyễn Quốc Viễn lập, ghi ngày 20/4/2913, để hoàn tất hồ sơ vay vốn ngắn hạn tại Sacombank, chi nhánh Quận 8 là 340 tỷ đồng, mục đích sử dụng vốn vay để kinh doanh bất động sản, cụ thể: Hợp tác với Công ty Thành Thành Công mua bất động sản là quyền sử dụng đất tại 209 Trường Chinh, Đà Nẵng (22.687,2m2) của Tập đoàn Thiên Thanh với giá 908,7 tỷ đồng.

-Lê Duy Lương, Tổng giám đốc Công ty Thành Thành Công ký các tài liệu khống do Phan Minh Tùng, Mai Hữu Khương, và Nguyễn Quốc Viễn lập, ghi ngày 20/4/2013, để hoàn tất hồ sơ vay vốn ngắn hạn tại Sacombank , chi nhánh Quận 8 là 250 tỷ đồng, mục đích sử dụng vốn vay để kinh doanh bất động sản, cụ thể: Hợp tác với công ty Bảo GIa mua 1 bất động sản là quyền sử dụng đất tại 209 Trường Chinh, Đà Nẵng (22.687,2m2) của Tập đoàn Thiên Thanh với giá 908,7 tỷ đồng.

-Nguyễn Hồng Dũng, giám đốc công ty Đại Long ký các tài liệu khống do Phan Minh Tùng, Mai Hữu Khương và Nguyễn Quốc Viễn lập, ghi ngày 20/4/2013 để hoàn tất hồ sơ vay để kinh doanh bất động sản, cụ thể: Hợp tác với Công ty Hương Việt mua khách sạn Green Plâz Đà Nẵng của Tập đoàn Thiên Thanh với giá 986,7 tỷ đồng.

-Nguyễn Thị Kim Vân, tổng giám đốc công ty Hương Việt ký các tài liệu khống do Phan Minh Tùng, Mai Hữu Khương và Nguyễn Quốc Viễn lập, ghi ngày 20/4/2013 để hoàn tất hồ sơ vay vốn ngắn hạn tại Sacombank, chi nhánh Quận 8 là 300 tỷ đồng, mục đích sử dụng vốn vay để kinh doanh bất động sản, cụ thể: Hợp tác với công ty Đại Long mua khách sạn Green Plaza Đà Nẵng của Tập đoàn Thiên Thanh với giá 986,7 tỷ đồng.

Ngày 24/4/2013, Mai Hữu Khương lập biên bản họp HĐQT (thành viên HĐQT ký) và Nghị quyết HĐQT (Phạm Công Danh ký) về việc bảo lãnh cho khách hàng vay vốn tại Sacombank, nội dung: HĐQT VNCB phê duyệt việc dùng tài sản là số dư tiền gửi thanh toán của Ngân hàng xây dựng tại Sacombank, chi nhánh Quận 8 là 1.236 tỷ đồng và Hưng Đạo là 618 tỷ đồng để đảm bảo khoản vay cho 6 công ty nêu trên bằng việc dùng hợp đồng tiền gửi số, ngày để trống (vì lúc này chưa ký hợp đồng tiền gửi) và chuyển cho 2 chi nhánh của Sacombank (chuyên viên khách hàng Phạm Hùng và Nguyễn Đăng Hưng).

HĐQT VNCB cũng chấp thuận cử Phan Thành Mai, thành viên HĐQT, Phó TGĐ thường trực đứng tên chủ tài khoản và ký trên các chứng từ giao dịch liên quan đến tài khoản của VNCB tại Sacombank chi nhánh quận 8 và chi nhánh Hưng Đạo. Cùng ngày 26/2/2013, Phan Thành Mai-Phó TGĐ ký lệnh điều chuyển 1.236 tỷ đồng từ tài khoản của VNCB tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến tài khoản của VNCB tại Sacombank và ký lệnh điều chuyển 618 tỷ đồng đến số tài khoản của VNCB tại Sacombank chi nhánh Hưng Đạo với mục đích là dự trữ để thanh toán, số lượng tiền tương đương với gốc, lãi trong thời hạn 12 tháng. Ngay sau đó, Phan Thành Mai ký hợp đồng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn với Bùi Văn Thành, giám đốc Sacombank, chi nhánh Hưng Đạo số tiền 618 tỷ đồng, Trần Thị Hải Triều, giám đốc chi nhánh quận 8 với số tiền 1.236 tỷ đồng.

Tại Sacombank, Phan Huy Khang giới thiệu Mai, Khương, Viễn với Phan Đình Tuệ là Phó TGĐ Sacombank, thông báo với tất cả mọi người rằng Sacombank sẽ chuyển cho công ty vay 1.800 tỷ đồng và được bảo lãnh bằng tiền gửi của VNCB chuyển sang. Sau đó, Khang giao Phan Đình Tuệ tổ chức triển khai cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng theo chỉ đạo của ông Trầm Bê và những người đại diện cho VNCB sẽ liên hệ trực tiếp với Tuệ.

Thực hiện chỉ đạo của Trầm Bê và Phan Huy Khang; Phan Đình Tuệ đã gọi ông Bùi Văn Thành là giám đốc Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và bà Trần Thị Hải Triều là giám đốc Sacombank chi nhánh quận 8 gặp Mai Hữu Khương và Nguyễn Quốc Viễn để triển khai cho vay theo danh sách do Mai Hữu Khương đem đến. Phan Đình Tuệ phân cho chi nhánh Hưng Đạo tiếp nhận hồ sơ cho 2 công ty Nhất Nhất Vinh, Công ty Quốc Thắng vay 600 tỷ đồng; Trần Thị Hải Triều, giám đốc chi nhánh quận 8 cho 4 công ty còn lại vay 1.200 tỷ đồng tài sản đảm bảo bằng tiền gửi của VNCB. Hai bên thống nhất việc lập hồ sơ vay và cho nhau số điện thoại để tiện trao đổi công việc.

Ngày 25/4/2013, Trầm Bê ký phê duyệt tại 2 tờ trình do Hội đồng tín dụng của chi nhánh Hưng Đạo về việc chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Nhất Nhất Vinh 250 tỷ đồng, công ty Quốc Thắng 350 tỷ đồng thời hạn 12 tháng, lãi suất đảm bảo chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động là vay 3%/ năm (giải ngân trước, khách hàng bổ sung chứng từ sử dụng vốn đầy đủ sau khi giải ngân, chuyển tiền giải ngân vào tài khoản của Công ty Thiên Thanh Long Hải.

Ngày 26/4/2013, sau khi 6 giám đốc công ty vay tiền ký, đóng dấu hợp đồng bảo lãnh cầm cố giấy tờ có giá do Sacombank phát hành, hợp đồng tín dụng từng lần, giấy nhận nợ, giấy đề nghị mở tài khoản…cán bộ Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và Quận 8 đem hồ sơ vay về hoàn thiện để giải ngân cho vay.

Ngày 26/4/2013, sau khi VNCB chuyển tiền gửi thì các chi nhánh của Sacombank đã giải ngân cho 6 công ty thuộc Thiên Thanh của ông Danh vay bằng cách chuyển tiền vào tài khoản tại Ngân hàng Á Châu, chi nhánh Bà Rịa của Công ty Thiên Thanh Long Hải và tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh tại ACB chi nhánh Phú Thọ để mua bất động sản như trong hồ sơ. Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển tiền vào các chi nhánh ACB thì tiền này lại được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh tại ACB, chi nhánh Phú Thọ.

Như vậy, trong ngày 26/4/2013 thì toàn bộ khoản vay 1.800 tỷ đồng của 6 công ty tại Sacombank đều được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh tại ACB, chi nhánh Phú Thọ.

Ngày 27/4/2013, Phạm Công Danh ký 2 ủy nhiệm chi chuyển tiền từ tài khoản của mình tại ACB Phú Thọ về tài khoản của BIDV ở chi nhánh sở giao dịch 2 để trả nợ với tổng số tiền là ~1.630 tỷ đồng. Số tiền còn lại gần 166,3 tỷ đồng Phạm Công Danh đã chuyển về tài khoản cá nhân mở tại VNCB để sử dụng cùng các khoản tiền khác.

Về việc thu nợ của Sacombank: Đến ngày 26/4/2014 là ngày hết thời hạn của các hợp đồng tín dụng, Sacombank đã tự động thu nợ gốc 1.800 tỷ đồng, lãi vay hơn 35,86 tỷ đồng từ tiền gửi của VNCB để thu hồi nợ và đồng thời thông báo cho VNCB và thông báo đến 6 công ty trên biết.

VNCB không thu hồi được số tiền gửi đã dùng để trả nợ thay cho 6 công ty nên gây thiệt hại cho VNCB 1.835,86 tỷ đồng.

Xác minh hoạt động của 6 công ty đứng tên hồ sơ vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank thì 6 công ty trên đều là công ty Phạm Công Danh thành lập, giám đốc công ty đều là lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị…của Tập đoàn Thiên Thanh do Danh chỉ định. Lương của những người này đều do Tập đoàn Thiên Thanh trả từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Cả 6 công ty có treo biển hiệu, có khai thuế nhưng không phát sinh doanh thu mua vào, bán ra kể từ khi thành lập.

Sau khi vay được tiền của Sacombank, Phạm Công Danh đã chuyển 1.700 tỷ đồng đến BIDV chi nhánh sở giao dịch 2 trong đó dùng 1.176 tỷ đồng cho món nợ 1.700 tỷ đồng mà các công ty của Danh vay của chi nhánh này năm 2012; chuyển 457,7 tỷ đồng để chuyển đến BIDV chi nhánh Hải Vân dùng để trả cho món nợ mà các công ty của Danh vay 900 tỷ đồng năm 2012.

Phạm Công Danh vay nợ BIDV như thế nào?

Theo cáo trạng, hồi năm 2012, Phạm Công Danh là Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh có giấy đề nghị vay vốn, phương án vay kèm hồ sơ xin vay 2.000 tỷ đồng nhằm mục đích hỗ trợ tài chính để Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển nhượng 5 lô đất thuộc dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng tại Sân vận động Chi Lăng, Hải Châu II, Hải Châu, Đà Nẵng” được UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho 5 công ty (đều là công ty của Phạm Công Danh) gồm Trung Dung, Bảo Gia, Đại Long, Toàn Tâm, Đại Hoàng Phương. Tài sàn đảm bảo tiền vay là 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 5 công ty này và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 209 Trường Chinh, Đà Nẵng (đất của Tập đoàn Thiên Thanh). Ngày 15/3/2012, ông Trần Bắc Hà là chủ tịch BIDV ra quyết định phê duyệt cho vay hỗ trợ tài chính tạm thời. Sau đó, ông Đoàn Ánh Sáng là giám đốc BIDV chi nhánh sở giao dịch 2 ký hợp đồng tín dụng cho Phạm Công Danh vay 1.700 tỷ đồng, thời hnaj vay từ khi ký hợp đồng tín dụng đến ngày 31/12/2012.

Phạm Công Danh lập bảng kê rút vốn (nhận nợ vay) và bà Nguyễn Thị Mai Hoa là phó giám đốc BIDV chi nhánh sở giao dịch 2 phê duyệt cho giải ngân, chuyển 1.700 tỷ đồng bằng 8 ủy nhiệm chi vào tài khoản của 5 công ty của Danh tại BIDV. Tuy nhiên, ngay sau đó thì khoản tiền này được thanh toán bằng điện tử liên ngân hàng chuyển vào tài khoản của Phạm Thị Trang tại ACB. Tiếp đó, Trang chuyển bằng ủy nhiệm chi số tiền 1.700 tỷ đồng vào tài khoản của Phạm Công Danh để Danh sử dụng.

Còn về khoản vay 900 tỷ đồng tại BIDV, chi nhánh Hải Vân năm 2012: Ngày 20/4/2012, Phạm Công Danh ký biên bản thỏa thuận với ông Nguyễn Thanh Dũng đại diện BIDV chi nhánh Hải Vân về việc gửi số tiền 1.000 tỷ đồng để BIDV, chi nhánh Hải Vân xem xét cho vay với lãi suất cạnh tranh trên cơ sở tiền gửi đối ứng. Nhưng, thực tế 2 bên không thực hiện thỏa thuận này mà BIDV cho các công ty của Phạm Công Danh là Bảo Gia vay 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân 900 tỷ đồng cho Bảo Gia vào tài khoản của Công ty Hương Việt số tiền 455 tỷ và vào tài khoản của công ty Thành Thành Công 445 tỷ đồng. Sau đó, Thành Thành Công và Hương Việt chuyển một phần sang cho Phạm Công Danh và vào các công ty khác.

Việc Sacombank cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ có những sai phạm gì?

Về các hành vi này, cơ quan điều tra đã trưng cầu Ngân hàng Nhà nước giám định để xác định hành vi, trách nhiệm và hậu quả trong việc gửi tiền, nhận tiền gửi để bảo lãnh, cho vay, thu nợ. Căn cứ kết quả giám định thì việc Sacombank cho 6 công ty vay 1.800 tỷ đồng có các sai phạm như sau:

-Việc Sacombank xem xét để quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng là thực hiện chưa đầy đủ các điều kiện cho vay theo quy định.

-Tại hơp đồng bảo lãnh, về phía ngân hàng Ngân hàng Đại Tín chỉ có ông Phan Thành Mai là người đại diện theo pháp luật ký, không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh là không đúng quy định về thẩm quyền ký cam kết bảo lãnh.

-Việc Sacombank xem xét và quyết định cho vay và Ngân hàng Đại Tín chưa thực hiện bảo đảm tiền vay theo đúng quy định về bảo lãnh là thực hiện chưa đầy đủ điều kiện cho vay.

-Việc Sacombank chi nhánh quận 8, chi nhánh Hưng Đạo lập các báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa đủ căn cứ là thực hiện chưa đầy đủ các quyền và nghĩa vụ vủa TCTD theo quy định.

Căn cứ kết quả giám định tại kết luận giám định của giám định viên Ngân hàng Nhà nước thì việc Sacombank cho 6 công ty vay 1.800 tỷ đồng:

-Đến thời điểm giám định thì Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến Phạm Công Danh.

-Việc bảo lãnh của VNCB cho 6 công ty vay vốn tại Sacombank đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền là 1.835 tỷ đồng.

Phạm Công Danh dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng

Tháng 5/2013, để có tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai tìm cách rút tiền khỏi VNCB chuyển cho Danh sử dụng. Mai đề xuất với Danh ủy thác qua Qũy Lộc Việt để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh thì tiền sẽ quay trở lại. Danh đồng ý.

Mai đã trao đổi với Nguyễn Việt Hà là Tổng giám đốc Qũy Lộc Việt dùng biện pháp ủy thác đầu tư sang quỹ Lộc Việt và nhờ Hà mượn pháp nhân các công ty để vay tiền TPBank lấy tiền mua trái phiếu và dùng tiền vay này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung. VNCB sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trên. Được Nguyễn Việt Hà đồng ý, Mai đã báo cáo với Phạm Công Danh để triển khai thực hiện.

Tại VNCB, Mai tìm nguồn tiền của VNCB để gửi vào TPBank bảo lãnh cho các công ty mà Qũy Lộc Việt lựa chọn vay tiền. Tại Qũy Lộc Việt, Nguyễn Việt Hà gặp gỡ trao đổi với Đặng Thị Bích Thủy là phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp và Đinh Việt Cường, giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của TPBank cùng tìm các doanh nghiệp đứng ra vay vốn TPBank để đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, VNCB sẽ bảo đảm bằng tiền gửi của VNCB tại TPBank. Thủy thống nhất với Cường đồng ý đề xuất cho các doanh nghiệp vay và đã lựa chọn được 11 pháp nhân là các công ty để tham gia vào việc vay vốn, mua bán trái phiếu….Cụ thể:

+Nguyễn Việt Hà giới thiệu 5 công ty gồm: Công ty Đức Long (100% vốn của ông NGuyễn Việt Hà), công ty Thạch Hà (do Hà thành lập nhưng người khác đứng tên giám đốc và phó giám đốc), Công ty Long Khánh (do Nguyễn Việt Hà mượn pháp nhân), Công ty Kỳ Nam (do Nguyễn Việt Hà mượn pháp nhân) và Công ty Khánh Chi do Vũ Viết Minh Quân mượn pháp nhân giúp Hà).

+Đặng Thị Bích Thủy giới thiệu 4 công ty gồm Công ty Khôi Nguyên Phát (do Đỗ Việt Bun, nhân viên khối KH doanh nghiệp của TPBank làm giám đốc), công ty TNHH Toàn Phát (do Thủy đề nghị Trần Quang Huy thành lập tháng 11/2013 đứng ra làm giám đốc), công ty Thuận Phát (do Nguyễn Thế Linh, giám đốc được Thủy giới thiệu), Công ty An Phát (do Nguyễn Ngọc Tuấn, giám đốc là chồng của Nguyễn Thị Phương Thanh là nhân viên khách hàng khối doanh nghiệp TPBank).

+Đinh Việt Cường trực tiếp trao đổi và được ông Nguyễn Việt Hà đồng ý cho Thịnh Phát (do Đinh Việt Cường, tổng giám đốc công ty đồng thời là giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, thành viên ủy ban tín dụng TPBank; Nguyễn Tiến Dũng-kiểm soát viên định giá là người được ủy quyền ký hợp đồng tín dụng) được tham gia.

+Phạm Công Danh giới thiệu công ty Đại Phát Việt Nam do Hà Văn Bình làm chủ tịch.

Mai Hữu Khương liên hệ và tiếp nhận các thông tin 11 công ty xin vay vốn TPBank do Nguyễn Kim Cẩm Vân ở quỹ Lộc Việt cung cấp để soạn thảo và hợp thức bằng 7 biên bản họp HĐTD-Đầu tư để bảo lãnh/ bảo đảm cho 11 công ty vay 1.666,8 tỷ đồng; 2 quyết định của HĐTD về việc bảo lãnh cho các công ty vay vốn; 4 chứng thư bảo lãnh của VNCB gửi TPBank bảo lãnh cho 4 công ty vay…

Mai Hữu Khương và Hoàng Đình Quyết trực tiếp liên hệ với Nguyễn Kim Cẩm Vân thông qua điện thoại, email để phối hợp làm thủ tục phát hành 1.200 trái phiếu của công ty Trung Dung. Trước đó, Tập đoàn Thiên Thanh đã lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu.

Việc Tập đoàn Thiên Thanh và Trung Dung phát hành trái phiếu khi chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán có lãi năm 2012 và văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với dự án Khu phức hợp Thiên Thanh Đà Nẵng là trái quy định của pháp luật về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Các hợp đồng mua bán, ủy thác đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Trung Dung và hợp đồng cầm cố, bảo lãnh của VNCB đã được ký, đóng dấu sẵn. Các nhân viên khối doanh nghiệp của TPBank thông báo cho đại diện các công ty vay vốn đến ký hợp đồng mua bán trái phiếu, hợp đồng cầm cố, bảo lãnh…Đại diện các công ty này không gặp gỡ, thương thảo và không có mối quan hệ gì với VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh, Trung Dung.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...