Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải kiểm soát được nước thải, khí thải ở Vĩnh Tân

Sáng 15.12, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã làm việc tại tỉnh Bình Thuận. Phó thủ tướng đã đi kiểm tra các dự án của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải kiểm soát được nước thải, khí thải ở Vĩnh Tân

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến thị sát dự án cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Hiện nay cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã bắt đầu hoàn thành giai đoạn 1 của dự án. Mặt bằng của Cảng đang được bồi đắp từ bùn, cát được nạo vét từ cầu cảng và bến quay tàu của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Báo cáo với Phó thủ tướng ngay tại cầu cảng, chủ đầu tư Cảng tổng hợp Vĩnh Tân cho biết tiến độ của dự án đạt kế hoạch đề ra, không bị chậm. Tuy nhiên, do đặc thù của khí hậu việc thi công có những khó khăn nhất định.

Tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhà máy do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, đã đi vào hoạt động ổn định, báo cáo với Phó thủ tướng, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết mỗi năm nhà máy đốt khoảng 3,6 triệu tấn than và thải ra lượng tro xỉ là trên 1,2 triệu tấn (tương đương 30%).

Hiện nay bãi xỉ than Vĩnh Tân 2 được giám sát bằng hệ thống quan trắc tự động, kết nối với Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Thuận. EVN cũng đã ký hợp đồng với một đơn vị đang xây dựng nhà máy chế biến gạch không nung từ xỉ than.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN báo cáo tiến độ xây dựng các nhà máy với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Còn Nhà máy Vĩnh Tân 4 với công nghệ hiện đại và đốt than nhập khẩu, nên lượng tro xỉ than chỉ khoảng 6%, theo ông Tài Anh.

Về tiến độ, hiện nay Nhà máy Vĩnh Tân 4 đã được cấp phép chạy thương mại một tổ máy vào đầu tháng 12 vừa qua. Tổ máy số 2 sẽ phát điện vào tháng 3.2018. Riêng nhà máy Vĩnh Tân 4 mở rộng, chỉ có một tổ máy bị chậm tiến độ khoảng 8 tháng. Vì vậy, dự kiến nhà máy sẽ phát điện vào cuối tháng 12.2019.

Đối với Nhà máy Vĩnh Tân 1 (do các nhà thầu Trung Quốc làm chủ đầu tư và thi công) đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công trình. Sang hết tháng 1.2018, tàu 1.000 tấn có thể cập bến cảng chuyên dùng để cung cấp than .

Chỉ đạo ngay tại công trường, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân là công trình trọng điểm quốc gia, có tổng giá trị lên tới 10 tỉ USD. Công suất của trung tâm này gấp hơn 3 lần thủy điện Sơn La, giúp không chỉ bảo đảm an ninh năng lượng mà còn góp phần cung ứng điện cho miền Nam và phát triển kinh tế của cả nước.

Phó thủ tướng nói: “Bà con địa phương đã gắn bó với chúng ta, đã nhường đất để xây dựng nhà máy. Các chủ đầu tư phải hiểu rõ điều này để có kế hoạch hỗ trợ cho người dân hai xã ở trung tâm nhiệt điện là Vĩnh Hảo và Vĩnh Tân. Phải làm sao để bà con chính là những người dân đầu tiên được hưởng lợi từ dự án này”.

Các nhà thầu Trung Quốc bào cáo với Phó thủ tướng về tiến độ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1

Phó thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong thi công cũng như vận hành các nhà máy. Kiểm soát chặt về môi trường, đặc biệt chú ý kiểm soát đến 3 loại chất thải là xỉ than, nước thải và không khí. Trong đó phải kiểm soát đặc biệt nguồn nước thải từ các nhà máy vì rất gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau, có thể ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sinh.

Phó thủ tướng cũng giao cho EVN sớm hình thành một Ban quản lý toàn khu trung tâm nhiệt điện để thống nhất quản lý hạ tầng và kiểm soát môi trường; yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá tác động môi trường chiến lược cho toàn vùng để bảo vệ môi trường hiệu quả và lâu dài.

Phó thủ tướng nói: “Tôi đánh giá cao trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã biết lắng nghe, cầu thị từ ý kiến của các nhà khoa học, của nhân dân, để quyết định không nhận chìm chất sau nạo vét. Cái quan trọng bây giờ là phải kiểm soát được vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nước thải, khí thải”

Theo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...