Theo cáo buộc của cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Trịnh Xuân Thanh trực tiếp chỉ đạo thuộc cấp rút 25 tỉ đồng tại dự án 7000 tỉ đồng của PVTex hiện “đắp chiếu” để mua biệt thự triệu USD trên Tam Đảo Vĩnh (Vĩnh Phúc) và đứng tên Công ty Mai Phương của gia đình Thanh.
Trước đó, trong quá trình điều tra, cơ quan An ninh điều tra đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với căn biệt thự triệu USD của Trịnh Xuân Thanh tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Như đã phản ánh, căn biệt thự có giá hàng triệu USD toạ lạc nguy nga trên đỉnh cao nhất của Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã được kẻ đang mang 2 án tù chung thân - Trịnh Xuân Thanh khi còn đương chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã rút 25 tỉ đồng từ dự án xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi Polyesteer (PVTex) có số vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng.
Theo tài liệu, Trịnh Xuân Thanh khi đương chức Chủ tịch HĐQT PVC – công ty làm tổng thầu dự án xây dựng PVTex, đã kí hợp đồng thuê công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC - một công ty con của PVC) thực hiện thi công một số hạng mục phụ trợ tại dự án.
Trong quá trình thi công, Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT PVC - KBC đã đề xuất và được PVC tạm ứng số tiền 25 tỉ đồng cho PVC – KBC trái quy định và quy chế của PVC.
Nhận được đề xuất của Hồng, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo thuộc cấp tạm ứng số tiền 25 tỉ đồng cho PVC – KBC để Đỗ Văn Hồng sử dụng 23,8 tỉ đồng trong số tiền này mua 3.400m đất tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Đứng tên chủ sở hữu là PVC – KBC.
Sau khi căn biệt thự có tên chủ sở hữu là công ty PVC – KBC thì Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Đỗ Văn Hồng làm thủ tục để PVC – KBC chuyển nhượng lại mảnh đất này cho công ty Mai Phương của gia đình Thanh với giá 23,8 tỉ đồng, nhưng chỉ trả cho PVC – KBC 20,8 tỉ đồng, còn 3 tỉ đồng đến nay chưa trả.
Để hợp thức hoá số tiền tạm ứng sai quy định, Thanh cùng Hồng làm thủ tục chuyển số tiền 21/25 tỉ đồng tạm ứng cho BVC – KBC thành tiền PVC góp vốn vào PVC - KBC. Hậu quả hiện nay là PVC không còn khả năng thu hồi vốn.