Quốc hội thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2020

Sáng 14/11, với 90,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Quốc hội thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2020

Theo đó, Quốc hội quyết nghị Tổng số thu ngân sách trung ương là 851.768.636 triệu đồng (hơn 851,768 nghìn tỷ đồng). Tổng số thu ngân sách địa phương là 660.531.364 triệu đồng (hơn 660,531 nghìn tỷ đồng).

Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.069.568.636 triệu đồng (hơn 1.000 nghìn tỷ đồng), trong đó dự toán 367.709.919 triệu đồng (hơn 367,709 nghìn tỷ đồng) để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quốc hội cũng giao Chính phủ phân bổ chi tiết kinh phí sự nghiệp còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và kinh phí sự nghiệp của Chương trình mục tiêu Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích, bảo đảm yêu cầu thời gian phân bổ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; phân bổ trong điều hành ngân sách đối với một số khoản chi đã có cơ chế, chính sách, xác định được nhiệm vụ, nhưng chưa có cơ sở tính toán để phân bổ, bố trí cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ngay từ đầu năm. Trong việc quản lý, điều hành, Chính phủ cần kịp thời thu hồi về ngân sách trung ương các khoản kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương còn dư hoặc hết nhiệm vụ chi theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cần chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật và Nghị quyết của Quốc hội có liên quan, ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Quốc hội cũng giao Chính phủ điều hành kinh phí chi trả phí phát hành trái phiếu chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2020 được Quốc hội quyết định; chủ động thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội đến từng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước trước ngày 31/12/2019; thực hiện công khai, báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện sắp xếp các khoản chi để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2020; bố trí kinh phí đầy đủ cho các chính sách đã ban hành; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi và sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân sẽ được tổ chức đầu tháng 6/2025

Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân sẽ được tổ chức đầu tháng 6/2025

VACOD-HBA dự kiến sẽ phối hợp với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương tổ chức hội nghị chuyên đề vào đầu tháng 6/2025 tại Bình Thuận. Hội nghị tập trung thảo luận vấn đề áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân một cách hiệu quả nhất…

Sáp nhập tỉnh thành tạo không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Sáp nhập tỉnh thành tạo không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Tái cấu trúc địa giới hành chính và liên kết vùng kinh tế được xem là một bước đi chiến lược, thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ của Việt Nam. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế là cần thiết, song lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp mới là yếu tố then chốt để đảm bảo thành công...