Trước phiên bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Căn cứ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23, Chính phủ đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị (13 luật).
Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật trên (có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019) là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.
Tiếp đó, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua các dự thảo: Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.
Trong phiên bế mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo: Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu bế mạc Kỳ họp.