Khai mạc sáng 20/10 và dự kiến bế mạc chiều 23/11 tới, kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 14 sẽ làm việc trong thời gian 26 ngày (không kể ngày nghỉ). Vẫn như nhiều kỳ họp tại khoá trước, hai ngày rưỡi là thời gian dành cho chất vấn và trả lời chất vấn.
Một trong những đổi mới tại kỳ họp Quốc hội này, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại cuộc họp báo chiều 18/10, là sẽ tạo điều kiện để đại biểu tranh luận, trao đổi hết các vấn đề trong các phiên thảo luận. “Điều này có đồng nghĩa với việc Quốc hội sẽ dừng họp khi hết ý kiến, thay vì kết thúc vào 17h hàng ngày như mọi kỳ họp khác?”, phóng viên VnEconomy hỏi. “Nếu buổi chiều thì thời gian họp có thể kéo dài thêm, còn buổi trưa thì có thể có giải pháp để đại biểu nêu hết câu hỏi, sau đó có thể giải đáp bằng văn bản”, ông Phúc đáp.
Bộ Tài chính áp dụng khoán xe công được cử tri rất hoan nghênh
Về câu hỏi tại sao Quốc hội chưa xem xét phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại kỳ họp này, ông Phúc cho biết, đến nay Chủ tịch nước chưa có văn bản sang Quốc hội, nếu có văn bản chính thức thì sẽ đưa vào chương trình. Trả lời câu hỏi của phóng viên là nếu nợ công vượt trần, thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói, trách nhiệm thuộc về cả Quốc hội và Chính phủ.
“Tinh thần là không để nợ công vượt trần, Chính phủ cũng đã cam kết như thế”, ông Phúc khẳng định. Bộ Tài chính áp dụng khoán xe công được cử tri rất hoan nghênh, Quốc hội có gương mẫu thực hiện chủ trương này không? Đây là câu hỏi tiếp theo từ báo giới. Ông Phúc cho biết, khoán xe công đã được Quốc hội thực hiện khá sớm, chỉ có điều không công bố và tuyên truyền rộng rãi. Cách làm của Bộ Tài chính (khoán từ nhà đến cơ quan, theo cách tính 15 nghìn đồng/km) theo ông Phúc là chưa hiệu quả lắm, mà làm sao phải bớt được lái xe và đầu xe đi.
Quốc hội đang xây dựng đề án để thực hiện tốt hơn nữa việc khoán xe công, ông Phúc cho biết thêm. Với 63% thời gian dành cho lập pháp, kỳ họp này của Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật và 1 nghị quyết khác. Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật Về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đấu giá tài sản, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 và nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết số 55 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Quốc hội cũng sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.
P.L