Khảo sát của Thương Gia cho thấy, trong suốt một thập kỷ qua (2015-2024), giá vàng thường đi theo một kịch bản quen thuộc mỗi dịp vía Thần Tài: bắt đầu nhích lên từ trước Tết, chạm đỉnh khi thị trường mở cửa trở lại, rồi dần hạ nhiệt sau đó.
Bước sang năm nay, diễn biến ngày vía Thần tài không nằm ngoài xu hướng. Giá vàng miếng và vàng nhẫn đã tích lũy trong thời gian dài từ vùng 84 triệu đồng/lượng, trước khi bứt phá vượt mốc 90 triệu đồng những ngày gần đây. Phiên giao dịch cuối cùng trước Tết (29 tháng Chạp), giá bán ra hai loại vàng này lần lượt đạt 88 triệu và 88,8 triệu đồng mỗi lượng. Sau kỳ nghỉ Tết, vàng nhẫn tiếp tục tăng thêm 700.000 đồng, còn vàng miếng cũng nhích thêm 500.000 đồng.
Thông thường, đà tăng giá vàng sẽ chững lại vào sáng mùng 9 Tết. Trong 10 năm qua, kịch bản này đã lặp lại 7 lần, với mức giảm dao động từ vài chục nghìn đến nửa triệu đồng mỗi lượng. Nhưng năm nay, diễn biến lại có phần khác biệt.
Sáng mùng 9 Tết Ất Tỵ (6/2), vàng nhẫn tiếp tục lập kỷ lục mới, chạm mốc 90,6 triệu đồng/lượng, tăng gần 6 triệu đồng so với đầu năm. Vàng miếng cũng vọt lên 91,2 triệu đồng, cao hơn khoảng 7 triệu đồng.
Mức giá này duy trì đến đầu giờ chiều khi lực cầu gia tăng. Tuy nhiên, đến cuối phiên, giá bắt đầu điều chỉnh: vàng miếng lùi về 89,6 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn còn 89,4 triệu đồng/lượng.
Sang ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng), giá vàng nhích nhẹ thêm 100.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua – bán. Vàng miếng trở lại mốc 90 triệu đồng/lượng, với giá niêm yết tại SJC và Bảo Tín Minh Châu dao động trong khoảng 86,5 – 90 triệu đồng. Vàng nhẫn cũng tăng tương tự, đạt mức 86,5 – 89,5 triệu đồng/lượng.
Đà tăng mạnh của giá vàng trong nước không chỉ xuất phát từ nhu cầu mùa vụ mà còn chịu tác động lớn từ thị trường thế giới. Chốt phiên giao dịch ngày 5/2, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng vọt 23 USD, đạt 2.866 USD/ounce, thậm chí có thời điểm lập đỉnh mới tại 2.882 USD/ounce. Sự đi lên của kim loại quý phản ánh tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư trước lo ngại lạm phát kéo lùi tăng trưởng kinh tế, nhất là khi các chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra nhiều biến động.
Không chỉ chịu tác động từ diễn biến toàn cầu, thị trường vàng trong nước năm nay còn ghi nhận một xu hướng đáng chú ý: làn sóng người lao động trung niên đổ xô mua vàng tích trữ. Theo đại diện một doanh nghiệp kim hoàn lớn, nhóm khách hàng này vốn ít tiếp cận các kênh đầu tư khác, có tâm lý ưa chuộng tài sản "ăn chắc mặc bền", và vàng trở thành lựa chọn tối ưu để phòng ngừa rủi ro tài chính.
"Có thể thấy rõ xu hướng này khi lượng người mua vàng để giữ tài sản tăng mạnh. Họ không mua lướt sóng mà xem đây là khoản tiết kiệm an toàn", chủ một cửa hàng kinh doanh vàng cho biết.
Không nằm ngoài dự đoán, vàng ép vỉ hình Thần Tài và nhẫn trơn – những sản phẩm hút khách nhất vào dịp vía Thần Tài – đã rơi vào tình trạng khan hiếm từ nhiều ngày trước. Theo ghi nhận của Thương Gia, tại các thương hiệu lớn, mặt hàng vàng 9999 như nhẫn trơn, vàng miếng, vàng Thần Tài đều trở nên khan hiếm. Một số doanh nghiệp thậm chí phải giới hạn số lượng bán ra dù chưa đến thời điểm cao điểm nhất.
Nguyên nhân sâu xa đến từ việc nguồn cung vàng nguyên liệu gặp khó khăn trong thời gian qua. Hiện các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng theo đường chính ngạch, trong khi kênh nhập lậu cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Điều này khiến nhiều đơn vị kim hoàn phải phụ thuộc vào nguồn vàng mà người dân bán ra để có hàng cung ứng trở lại.
Dữ liệu gần một thập kỷ qua cho thấy, sau ngày vía Thần Tài, giá vàng thường có xu hướng giảm. Trong 6 năm, mức giảm phổ biến từ 100.000-300.000 đồng mỗi lượng, thậm chí có năm rớt hơn một triệu đồng. Đà hạ nhiệt không chỉ diễn ra trong một ngày mà kéo dài nhiều phiên sau đó.
Thế nhưng, năm 2024 lại chứng kiến một kịch bản hoàn toàn khác. Thay vì điều chỉnh giảm, giá vàng tiếp tục tăng bền bỉ. Từ mốc dưới 79 triệu đồng mỗi lượng, vàng SJC bứt phá mạnh, liên tục vượt qua các ngưỡng kháng cự quan trọng và thiết lập đỉnh 92,4 triệu đồng vào giữa tháng 5. Đã có những ngày giá nhảy vọt chỉ trong vài giờ, thậm chí tăng vài triệu đồng trong một ngày, khiến các điểm giao dịch chật kín người mua.
Giới đầu tư nhanh chóng truyền tai nhau về việc dịch chuyển dòng tiền từ các kênh khác sang vàng. Trước diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước đã phải vào cuộc, thực hiện hàng loạt biện pháp bình ổn thị trường. Khi giá SJC bắt đầu "hạ nhiệt", vàng nhẫn 24K lại lên ngôi, diễn biến song hành với xu hướng thế giới. Từ mức dưới 63 triệu đồng mỗi lượng hồi đầu năm, vàng nhẫn tăng mạnh, chạm ngưỡng 90 triệu đồng vào cuối tháng 10, tương đương mức tăng gần 43%. Khoảng cách giá với vàng SJC cũng thu hẹp đáng kể, từ hơn chục triệu đồng rút ngắn còn vài trăm nghìn đồng, thậm chí có thời điểm vượt cả vàng miếng thương hiệu.
Trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp, vàng tiếp tục được xem là tài sản trú ẩn an toàn. Nhiều tổ chức tài chính kỳ vọng xu hướng tăng giá vẫn sẽ duy trì trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia từ Công ty Tư vấn tài chính và Quản lý tài sản FIDT, nhà đầu tư cần cân nhắc tỷ trọng phân bổ hợp lý. Thông thường, chỉ nên dành 5-10% tổng tài sản cho vàng để giảm rủi ro. Khi các rủi ro địa chính trị hạ nhiệt, tỷ trọng nên điều chỉnh về 5%. Ngược lại, nếu căng thẳng leo thang, có thể cân nhắc nâng lên 10% để bảo toàn tài sản.