Quý 4/2024, TPBank là một trong những ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng cao nhất hệ thống. Năm qua, nhà băng đã đạt được loạt kết quả tưởng như rất khó có thể hoàn thành cùng lúc.
10 TRIỆU KHÁCH HÀNG MỚI TRONG 4 NĂM
Trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã đạt được bước tiến vượt bậc trong việc mở rộng tệp khách hàng nhờ chiến lược chuyển đổi số và đổi mới cách tiếp cận khách hàng. Không chỉ các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 hay MB, mà cả các ngân hàng tư nhân cũng ghi dấu ấn với quy mô khách hàng vượt mốc 10 triệu, như TPBank, Techcombank và VPBank.
Riêng TPBank, sự tăng trưởng của ngân hàng này trong thời gian ngắn đã thu hút sự chú ý. Theo cập nhật mới đây, TPBank ghi nhận quy mô khách hàng của mình cuối năm 2024 đạt 14,1 triệu, tăng thêm khoảng 2 triệu so với cuối năm 2023. Như vậy, trong vỏn vẹn 4 năm, ngân hàng đã thu hút thêm 10 triệu khách hàng mới, là một trong những nhà băng có khả năng mở rộng tệp khách hàng mạnh mẽ nhất.
Bất chấp cuộc đua chuyển đổi số nở rộ và cạnh tranh thị trường, tốc độ mở rộng tệp khách hàng của TPBank vẫn đang được duy trì nhờ vào sự khác biệt trong chiến lược và hành động.
Đầu tiên, trên kênh số, TPBank liên tục chú trọng việc nâng cao trải nghiệm người dùng trên các ứng dụng dành cho khách hàng cá nhân (TPBank), khách hàng doanh nghiệp (TPBank Biz) và hệ thống giao dịch tự động (TPBank LiveBank 24/7). Đây là điều mà nhà băng nào cũng muốn, song khai phá ra hướng đi không hề dễ dàng. Để làm được điều này, TPBank đã đi đầu trong xu hướng Open API, kết nối với các đối tác để hướng tới là một Super App (siêu ứng dụng).
Đến hiện tại, TPBank là một trong những ngân hàng có kết nối với nhiều đối tác nhất tại Việt Nam. Tính từ thời điểm API đầu tiên đi vào phục vụ năm 2019 đến nay, đã có hàng trăm đối tác được kết nối với gần 2.000 đầu dịch vụ thanh toán qua Open API. Theo đó, khách hàng có thể được đáp ứng đầy đủ nhu cầu trên chiếc App của TPBank.
Song song với việc đưa hàng loạt dịch vụ lên ứng dụng, ngân hàng còn phải đảm bảo App dễ dàng sử dụng, thao tác mượt mà và bảo mật với tất cả mọi người. Theo tiết lộ của lãnh đạo TPBank, không có năm nào mà ngân hàng không đầu tư thêm cho công nghệ, và đây luôn là khoản đầu tư được ưu tiên và xem xét kỹ lưỡng. Năm 2024, nhà băng cũng đã bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng cho hạ tầng công nghệ, bao gồm tăng cường máy chủ, an ninh và bảo mật.
Ngoài ra, một chiến lược xuyên suốt của TPBank trong nhiều năm qua đã tạo nên sự khác biệt của ngân hàng, đó là nhắm đến phân khúc khách hàng trẻ từ rất sớm. Quan niệm của TPBank khi thiết kế App là biến việc giao dịch ngân hàng trở nên thú vị, dễ dàng và thậm chí trở nên thân thiện, “giải trí” hơn với người dùng.
Tại Wechoice Awards 2024 mới đây, TPBank cũng tiếp tục được bình chọn là "Ứng dụng tài chính - tiêu dùng được giới trẻ yêu thích nhất", là minh chứng cho thấy sự vượt trội của App TPBank trên thị trường đầy cạnh tranh hiện nay. Kết quả, 1 triệu khách hàng mới của TPBank được thu hút trên kênh số, trong đó có đóng góp lớn từ việc hợp tác với các đối tác như Momo, Shopee,…
Đáng chú ý, tăng trưởng khách hàng mới tại quầy giao dịch TPBank cũng rất cao, đạt 1 triệu khách trong năm 2024. Song song với hiệu quả từ các kênh số, TPBank không bỏ qua việc cải tiến quy trình, thay đổi cách tiếp cận, bán hàng, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm giao dịch truyền thống. Thông qua đó, TPBank mang đến trải nghiệm tốt nhất trên tất cả các kênh và hướng tới mốc 16 triệu khách hàng trong năm tới.
HIỆU ỨNG TỪ LỢI THẾ CASA
Cơ sở khách hàng như trên cho TPBank lợi thế lớn, đặc biệt khi mảng bán lẻ ngày càng đem lại hiệu quả kinh doanh cao cho ngân hàng. Lượng khách hàng mới tăng mạnh trong năm qua đã góp phần cho tăng trưởng huy động vốn của TPBank năm 2024 cán mốc hơn 374.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Đặc biệt, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt gần 54.000 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2023, lọt top những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng CASA hàng đầu hệ thống. Tỷ lệ CASA của TPBank cũng nằm trong nhóm cao trên thị trường, đạt trên 20%.
Ông Nguyễn Lâm Hoàng, Giám đốc Khối Tài chính TPBank cho biết, số dư CASA tăng trưởng trong năm 2024 chủ yếu đến từ nhóm khách hàng cá nhân, được đánh giá là nguồn CASA ổn định và bền vững cho ngân hàng. Đặc biệt như nhóm khách hàng trả lương, khách hàng hộ kinh doanh đang duy trì tỷ lệ CASA rất tốt. Việc TPBank mở rộng được tệp khách hàng thêm 2 triệu khách hàng mới trong 1 năm qua là động lực giúp CASA tiếp tục tăng trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay.
Thêm vào đó, TPBank là một trong những nhà băng đi đầu về ngân hàng số, liên tục có những cải tiến trên sản phẩm App để tối ưu trải nghiệm cho khách hàng, nhờ đó mà khách hàng sử dụng TPBank thường xuyên hơn trong các giao dịch hàng ngày. Tổng giá trị giao dịch qua kênh số của TPBank tăng mạnh trong năm 2024, đạt gần 2 triệu tỷ đồng.
Con số CASA có ý nghĩa quan trọng với TPBank. Một mặt khẳng định được dấu ấn trên thị trường ngân hàng số cũng như sự tin dùng của khách hàng sử dụng TPBank làm ngân hàng giao dịch chính. Mặt khác, CASA giúp TPBank cải thiện chi phí vốn, từ đó ngân hàng có thể thực hiện được nhiều mục tiêu khó có thể thực hiện cùng lúc: vừa đạt được tăng trưởng cao về lợi nhuận, vừa có thể thực hiện các chương trình hỗ trợ khách hàng.
Năm 2024, TPBank đã hỗ trợ các doanh nghiệp có phương án, dự án xanh với gói vay 5.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 0% trong 3 tháng đầu. Ngân hàng cũng triển khai các gói lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng, chẳng hạn việc tung gói tín dụng 3.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 4,5%/năm, đăng ký tham gia 5.000 tỷ đồng vào chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Ngoài ra, TPBank giảm tối đa 50% số tiền lãi khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi, với hạn mức lên tới 2.000 tỷ đồng.
Những con số kinh doanh nổi bật
Bên cạnh con số 14 triệu khách hàng và chỉ số CASA tạo tiền đề quan trọng cho TPBank, kết quả kinh doanh năm 2024 tiếp tục khẳng định hoạt động hiệu quả của ngân hàng.
Kết thúc năm 2024, lợi nhuận trước thuế TPBank đạt gần 7.600 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra tại Đại hội đồng cổ đông (7.500 tỷ). Tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của TPBank duy trì trên mức 17%. Đặc biệt, kết quả kinh doanh có sự bứt phá mạnh trong quý cuối cùng của năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.100 tỷ đồng, cao hơn 3 lần so với cùng kỳ.
Bất chấp một năm khó khăn, tăng trưởng tín dụng của TPBank đạt 20%, vượt xa mức tăng trưởng trung bình toàn ngành ngân hàng (gần 16%). Dư nợ tín dụng của TPBank đến cuối năm 2024 (bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 261.500 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng bán lẻ có tăng trưởng mạnh mẽ giai đoạn cuối năm, đặc biệt là các sản phẩm cho vay hộ kinh doanh, cho vay bất động sản,…
Kết quả lợi nhuận của TPBank cũng đậm dấu ấn hiệu quả của chuyển đổi số khi cơ cấu doanh thu chuyển dịch theo hướng đa dạng, bền vững. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023. Đặc biệt, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ tăng trưởng 47,5%, đạt hơn 3.360 tỷ đồng và chiếm khoảng 19% trong tổng thu nhập hoạt động. Cùng với một số mảng kinh doanh khác, nguồn thu nhập từ hoạt động phi tín dụng của TPBank đóng góp đến 28% trong cơ cấu tổng thu nhập.
Ông Nguyễn Lâm Hoàng, Giám đốc Khối Tài chính TPBank cho biết, định hướng của TPBank trong những năm gần đây là đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào thu nhập từ lãi. Với cơ sở 14 triệu khách hàng, khoản thu từ tài khoản thanh toán, dịch vụ thẻ đóng góp đáng kể vào nguồn thu của TPBank.
Việc tiên phong số hóa không chỉ giúp TPBank gia tăng nguồn thu, mà mặt khác còn giúp kiểm soát chi phí tốt hơn. Ngân hàng gần như không tăng thêm quy mô nhân sự trong năm qua, trong khi năng suất lao động của nhân viên được nâng cao. Theo đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của TPBank đã cải thiện mạnh từ mức 41,28% (năm 2023) xuống còn 34,78% (năm 2024).
Trên bảng xếp hạng ngân hàng trong nước và quốc tế, TPBank tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng dẫn đầu. Năm 2024, TPBank lần thứ hai lọt vào Top 100 của Brand Finance với giá trị thương hiệu tăng 8% lên 461 triệu USD, duy trì vị trí thứ 23 trong bảng xếp hạng Vietnam 100 2024 của Brand Finance. Ngân hàng tiếp tục là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam về uy tín và chất lượng, được xếp hạng trong Top 4 Ngân hàng Vững mạnh nhất Việt Nam năm 2024 theo đánh giá của The Asian Banker. Đồng thời, TPBank cũng đứng trong Top 10 ngân hàng uy tín tại Việt Nam và xếp thứ 5 trong số các ngân hàng tư nhân uy tín theo Vietnam Report.
Trong một lần chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, nếu so sánh thoáng qua, dịch vụ của các ngân hàng hiện nay có vẻ như đều tương tự nhau, và chiến lược chuyển đổi số cũng không còn là điều gì quá xa lạ. Tuy nhiên, khi khách hàng bắt đầu trải nghiệm sẽ nhìn thấy sự khác biệt rõ rệt. TPBank đã xây dựng được lợi thế cạnh tranh trong cả một hành trình dài kể từ khi tiên phong số hoá, từng chút từng chút một tạo nên hành trình trải nghiệm thuận tiện, hài lòng nhất cho khách hàng trên tất cả các kênh. Bởi vậy, TPBank vẫn tự tin với sức hút của mình, có thể tiếp tục tăng trưởng thêm 2 triệu khách hàng nữa trong năm 2025.