"Sụp đổ” - Cuốn tiểu thuyết sinh động, hấp dẫn về 30/4

Nhà văn Nguyễn Đình San vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử “Sụp đổ”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, đang được bạn đọc đón nhận....

Sách mới ra nhưng lượng phát hành đã rất khả quan. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn tác giả về sự ra đời cuốn tiểu thuyết này.

Thưa nhà văn Nguyễn Đình San. Ông vừa xuất bản tiểu thuyết lịch sử “Sụp đổ”. Có thể nói đó là một tiểu thuyết bom tấn với dung lượng gần 500 trang, gồm hàng trăm nhân vật cộm cán của chính trường Sài Gòn, với bối cảnh mùa xuân năm 1975. Nhà văn viết khi nào mà nhanh vậy vì cuối năm 2024, ông vừa cho ra cuốn tiểu thuyết “Khúc quanh nghiệt ngã” và được giải thưởng của UBND TP.HCM về sáng tác văn nghệ hướng tới kỷ niệm 50 ngày thống nhất đất nước?

Sau khi viết xong “Khúc quanh nghiệt ngã”, tôi bắt đầu viết “Sụp đổ” vào cuối năm 2024. Tôi có thói quen đã làm gì thì làm hết mình, dốc tổng lực để hoàn thành. May mắn là đầu óc còn minh mẫn như thời trai trẻ nên sức viết cũng nhanh. Nhưng trong quá trình viết, còn nhiều hoạt động khác không thể không tham gia, ví như được mời tham luận tại những hội thảo nếu gặp vấn đề tôi quan tâm; một số cuộc đi thực tế sáng tác ca khúc; quay truyền hình; đi nói chuyện... Không may, giữa chừng, sát Tết Nguyên đán, tôi phải nằm bệnh viện 3 tuần. Nhưng vẫn viết ở trong bệnh viện (phải viết lén vì bác sỹ biết sẽ phê bình). Đến hết tháng 2 thì hoàn thành.

Mất một tháng chờ biên tập và làm các thủ tục xuất bản. Bình thường, nhà văn Thái Chí Thanh ở NXB Hội Nhà văn chỉ biên tập tiểu thuyết của tôi trong không quá 1 tuần. Nhưng tôi gửi tác phẩm đến thì đúng lúc anh dự Trại sáng tác văn học cho thiếu nhi ở Tây Nguyên. Thế là phải chậm mất ít ngày. Nhưng cuối cùng sách vẫn ra được trong tháng 4, kịp chào mừng ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc.

Nhà văn Nguyễn Đình San

Chưa bàn đến giá trị cuốn tiểu thuyết tới mức nào vì vừa mới ra, chưa có thời gian để công chúng đánh giá. Nhưng cảm nhận rõ đầu tiên là tiểu thuyết đọc rất hấp dẫn, lôi cuốn người đọc qua từng trang. Ai đã đọc, khó có thể dừng lại. Làm sao mà ông hiểu tường tận những nhân vật chóp bu của chế độ Việt Nam Cộng hòa đến vậy, đặc biệt là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu? Có cảm giác như ông đã từng làm việc trong nội các của chính quyền này?

Cảm ơn nhận xét của chị. Nhiều người đọc xong cũng nói như vậy. Tôi chỉ viết cuốn tiểu thuyết trong hơn 1 tháng, chính xác là 5 tuần, nhưng để viết được, có đến 3 năm chuẩn bị. Phải tìm đọc rất nhiều tư liệu về chế độ Việt Nam Cộng hòa, về những nhân vật chóp bu. Không những do những cây bút của ta (cộng sản) viết, mà tôi tìm đọc cả những bài viết, cuốn sách của những người ở phía bên kia hoặc nước ngoài viết.

Tôi cũng có dịp đọc mấy cuốn hồi ký của một số tướng lĩnh (mà lâu nay ta vẫn gọi là tướng Ngụy) như Cao Văn Viên, Trần Văn Đôn, Đỗ Mậu, Nguyễn Cao Kỳ... Đặc biệt trong những lần sang Mỹ, tôi tìm gặp một số tướng tá Việt Nam Cộng hòa. Chủ yếu là cấp tá vì các tướng hầu hết đã qua đời (phần lớn họ đều sinh từ năm 1930 trở về trước). Gặp không dễ vì họ vốn kỳ thị người miền Bắc.

Gặp được rồi, để họ cởi mở trò chuyện là cả một vấn đề. Tôi phải vận dụng khả năng giao tiếp, tâm lý học của mình để xua đi mặc cảm trong họ. Đến khi cảm thấy tôi tỏ ra thông cảm, hiểu mình thì họ mới kể rất nhiều điều thú vị. Sau đó, về nước, tôi mở điện thoại ra nghe lại, phải mất mấy ngày cho việc này.

Một cảm giác nữa là tác giả cuốn tiểu thuyết có vẻ như người ngoài cuộc nhìn nhận về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Ông cố tình như vậy hay người đọc hiểu không chính xác?

Người đọc hiểu như vậy là đúng đó. Và tôi yên tâm là ý đồ của mình đã đạt được. Lâu nay, cũng có nhiều tác phẩm đề cập đến vấn đề này. Nhưng tôi thấy các tác giả xác định ngay mình là người bên chiến thắng viết về cuộc chiến. Tôi muốn mình tách ra, đứng sang một bên, như một người nước ngoài nhìn nhận về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Như vậy sẽ khách quan, vô tư, không thiên vị bên nào. Và chiến thắng cuối cùng của phía Bắc Việt là tất yếu, không thể khác.

Một chính thể, một quân đội chứa chất trong nó quá nhiều mâu thuẫn, lại dựa hẳn vào ngoại bang, hoàn toàn như một đội quân đánh thuê mà không có một lý tưởng gì ngoài việc đi đánh nhau có tiền, coi chiến đấu như một nghề thì không thua mới lạ. Để cho khách quan, ngay danh xưng trong tác phẩm, tôi cũng gọi quân đội của chúng ta là “Cộng sản Bắc Việt” hay “quân Giải phóng” mà không gọi “chúng ta”.

Trong “Sụp đổ”, không có một chiến dịch, một trận đánh, một chiến thắng nào được miêu tả. Dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền đối phương, không thể không nhắc đến nguyên nhân của nó là sức mạnh của quân dân ta. Nhưng điều đó không được đề cập. Ông có thể lý giải điều này?

Đúng là tôi không miêu tả một trận đánh nào. Ví như trận Phước Long diễn ra ngày 6/1/1975 mở đầu cho chiến dịch mùa xuân năm đó. Hoặc trận giải phóng Ban Mê Thuột ngày 10/3/1975 không thể quên bởi sau trận này, địch mở chiến dịch triệt thoái cao nguyên, dẫn đến sụp đổ hoàn toàn chưa đầy 2 tháng sau đó. Nhưng đã có nhiều người viết theo hướng này rồi.

Tôi muốn lý giải sự cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng hòa trong chính những mâu thuẫn nội tại của chính thể đó. Nó như những ung nhọt được tấy sốt từ lâu, nay trước áp lực của sức mạnh đối phương, bị vỡ tung ra. Tôi nghĩ cách tiếp cận này mới mẻ và "cao tay" hơn.

Nhưng như vậy thì khó hơn?

Đúng vậy. Phải cố gắng thôi. Phải mất công, mất sức tìm hiểu, nghiên cứu. Không thể khác.

“Sụp đổ” là tiểu thuyết lịch sử nên yếu tố tôn trọng sự thật lịch sử, cả nhân vật lẫn sự kiện không thể bỏ qua. Nhưng khi hư cấu, làm thế nào ông tạo cho nhân vật những tính cách đúng như họ mà ông lại không được tiếp xúc với họ?

Tôi đã có dịp đọc một cuốn sách nói về giai đoạn lịch sử này khá dày, ra đời đã nhiều năm và tác giả cũng đã qua đời. Nhưng tôi thấy đó chỉ là một tập hợp những tư liệu lịch sử rất phong phú mà người khác khó có được. Cuốn đó không thể gọi là tiểu thuyết lịch sử được mà chỉ thuần túy là sách nghiên cứu lịch sử tuy rất công phu. Vì hầu như không có yếu tố hư cấu mà như vậy thì không thể gọi là tiểu thuyết, không là văn học được. Nhưng hư cấu mà không làm cho nhân vật có thật biến dạng đi, từ hay thành dở hoặc ngược lại là điều không dễ làm. Ví như nhân vật chính trong “Sụp đổ” là Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hòa có nhiều chi tiết tôi hư cấu. Nhưng con người ông ta khôn khéo, độc đoán, thủ đoạn, thâm hiểm... lúc đầu được Mỹ o bế rồi về sau lại bị họ chán như thế nào phải được miêu tả đúng như vậy.

Để viết cuốn tiểu thuyết này, ông có gặp khó khăn gì không?

Khó khăn là tôi bị ngợp trong một đống tư liệu quá phong phú, nhưng phải luôn nhớ là mình đang viết tiểu thuyết, hoàn thành sứ mạng của nhà văn chứ không phải nhà sử học. Vậy phải tạo nên những câu chuyện, tình tiết sinh động và làm cho tác phẩm của mình giàu chất văn học khiến độc giả thấy hứng thú, đọc không mệt.

Ông đã nhận được phản hồi như thế nào từ phía người đọc?

Vì sách vừa mới ra (in xong đầu tháng 4/2025) nên lượng người đọc chưa nhiều. Tôi chỉ tặng một vài người vốn dĩ thích đọc sách của tôi và họ đọc hào hứng, không sót một chữ (tôi có cách “thẩm tra” điều này xem người ta đọc thật hay động viên mình mà khen). Còn lại chỉ bán qua mạng. Lượng bạn đọc mua mới chừng vài trăm người. Có người mua tới 5 cuốn, chắc để tặng lại. Nói chung là họ hồi âm tốt về sức hấp dẫn, giá trị, ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm, nhưng có phàn nàn những sai sót về lỗi kỹ thuật (morace).

Cuối năm ngoái, ông xuất bản tiểu thuyết “Khúc quanh nghiệt ngã” và được giải thưởng của UBND TP.HCM. Có phải thành công đó đã thúc đẩy ông viết tiếp “Sụp đổ” không?

Tôi không nghĩ mình được giải là thành công và ngược lại, bị từ chối giải là thất bại. Là người sáng tác có bản lĩnh, phải tự biết tác phẩm của mình thành công đến đâu, còn bất cập điều gì. Và mình còn non yếu ra sao.

* Vậy từ động cơ nào, ông viết “Sụp đổ”?

Trong không khí cả dân tộc hân hoan, nô nức chào đón mốc lịch sử 50 năm thống nhất đất nước, tôi muốn góp một tiếng nói hòa vào niềm vui chung đó bằng tác phẩm văn học nghệ thuật. Tôi đã có 2 ca khúc về đề tài này. Nhưng thấy chưa “đã”, chưa thỏa, tôi nghĩ mình cần viết tiểu thuyết nữa. Thế là thêm đứa con tinh thần này ra đời.

Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này. Chúc tác phẩm có thêm rất nhiều bạn đọc khiến ông phải "mất thời gian" để "nối bản".

Có thể bạn quan tâm