Tại sao EVN không muốn mua than của TKV?

Câu chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất Chính phủ cho phép không mua than của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang gây ra nhiều ý kiến trong cộng đồng.
Tại sao EVN không muốn mua than của TKV?

Nỗ lực của EVN với bài toán “cung cầu thị trường”

Vào tháng 5 vừa qua, sau khi EVN đề xuất lên Chính phủ được điều chỉnh lại số lượng than nhận của TKV từ 19,92 triệu tấn xuống 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so kế hoạch. Ngay lập tức, phía TKV đã “than”, cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này trong năm nay.

Theo tính toán từ TKV, nếu EVN giảm mua than, sẽ có khoảng 4000 công nhân, lao động của tập đoàn này đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Do đó, tập đoàn này đang tính phương án thuyết phục ngành điện xem xét lại đề xuất giảm mua than của TKV để mua của đối tác bên ngoài. Trao đổi với báo chí, đại diện EVN đã có những phản hồi chính thức: “Hoàn toàn không có chuyện EVN bỏ mua than của TKV để mua của đối tác nước ngoài”. Theo lãnh đạo EVN, việc tập đoàn này không muốn mua than của TKV vì giá cao, sẽ làm cho chi phí, giá thành sản xuất điện tăng lên. Thậm chí là sẽ khiến ngành điện phải gánh thêm khoản lỗ lớn do giá than.

Do đó, thay vì mua của TKV, EVN có thể mua của các doanh nghiệp khác trong nước với mức giá hợp lý hơn, chấp nhận được mà than vẫn đảm bảo chất lượng cho phát điện. Các doanh nghiệp than khác trong nước cũng sản xuất được than có giá thành hợp lý với cung cầu thị trường. Cũng vì không chốt được giá và số lượng mua than của TKV nên gần đây, EVN đang tìm bổ sung nguồn than mới.

Theo mô hình phát triển của hiện tại, ngành than cần có sự đổi mới theo cơ chế thị trường, không thể bao cấp, bao tiêu theo nếp cũ. Năm 2017, Thủ Tướng chỉ đạo là năm phát triển doanh nghiệp, tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp có giấy phép khai thác và có nguồn than hợp pháp phát triển.

Thị trường “thuận mua vừa bán”

Ngay sau khi câu chuyện mua bán than của EVN và TKV được báo chí phản ánh, đã có nhiều ý kiến trái chiều về mối quan hệ của 2 “ông lớn” năng lượng này.

Một số chuyên gia kinh tế khẳng định, bất luận trường hợp nào thì việc mua bán giữa EVN và TKV vẫn phải tuân theo quy luật thị trường. Cụ thể, EVN dù là doanh nghiệp nhà nước, được giao nhiệm vụ cung ứng, đảm bảo điện cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, nhưng xét cho cùng vẫn là doanh nghiệp. Mà đã là doanh nghiệp thì bài toán lỗ lãi, lợi nhuận vẫn phải được đặt lên hàng đầu. EVN là doanh nghiệp lớn của nhà nước, đang nỗ lực thực hiện theo các chỉ đạo điều hành của Chính phủ về kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay cả nước nói chung, và ngành điện nói riêng đang hết sức nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra.

Việc mua than để phát điện của EVN đương nhiên cũng phải nằm trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và những lãnh đạo của EVN cũng không quá khó để biết được rằng, phải tìm được nhà cung cấp với mức giá cạnh tranh nhất, chất lượng tốt nhất, thì tập đoàn mới không bị rơi vào thua lỗ. Việc EVN mua than của ai là quyền của doanh nghiệp này, không ép buộc được. Việc mua bán, trong đó có mua bán nguyên vật liệu cho đầu vào của các nhà máy điện, đó là chuyện của doanh nghiệp. Đã mua bán theo cơ chế thị trường tự do, cạnh tranh, EVN có quyền chọn than có chất lượng thích hợp với điều kiện phát điện, giá cả phải chăng.

Theo đó, việc mua bán than giữa EVN và TKV cần theo quy luật của thị trường, tức là thuận mua vừa bán. EVN có quyền từ chối nhà cung cấp nếu thấy giá than mua vào có thể khiến tập đoàn này thua lỗ khi sản xuất điện. Việc TKV tăng giá than bán cho điện có thể gây tác hại khôn lường bởi khi tăng giá than sẽ làm chi phí đầu vào của ngành điện khó khăn hơn.

Suy cho cùng, nếu nhìn nhận vấn đề thật nghiêm túc, câu chuyện mua – bán nguyên liệu đầu vào của EVN vẫn là hoạt động kinh doanh. Do đó bài toán hiệu quả và cân bằng chi phí – lợi nhuận vẫn phải được đặt lên hàng đầu đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào, đặc biệt là trong bối cảnh nhà nước đang khuyến khích bãi bỏ cơ chế bao cấp, hỗ trợ để mọi doanh nghiệp đều phải vận động theo quy luật thị trường.

Quá trình mua than và nhiên liệu của EVN đều được công khai minh bạch từ trước tới nay thông qua đấu thầu, trong bối cảnh ngành điện nói riêng và cả nước nói chung đang hết sức để đạt mục tiêu tăng trưởng mà Chính Phủ đặt ra.

Theo Tienphong.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...