Thi công trở lại đoạn ngầm dự án metro Nhổn - ga Hà Nội trong tháng 9

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang tích cực đàm phán để nhà thầu thi công đoạn ngầm metro Nhổn – ga Hà Nội trở lại trong tháng 9/2022.
Thi công trở lại đoạn ngầm dự án metro Nhổn - ga Hà Nội trong tháng 9

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa cho biết, đơn vị đang tích cực đàm phán với liên danh nhà thầu CP03 thi công đoạn ngầm dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội trong tháng 9/2022.

Trước đó, để chuẩn bị điều kiện tốt nhất về mặt bằng bàn giao cho nhà thầu, ngày 20/8/2022, MRB đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai công tác rào chắn, phân luồng để phục vụ thi công giai đoạn 2 ga ngầm S12 trên phố Trần Hưng Đạo (đoạn từ Lê Duẩn đến Trần Bình Trọng). 

Đây là hoạt động để nhà thầu CP3 quay lại thi công đoạn ngầm. Hiện tại, nhà thầu cũng thể hiện thiện chí quay lại công trường, hoàn thành khối lượng công việc dang dở.

Như vậy, thời gian nhà thầu gói thầu CP03 trở lại công trường có chậm hơn so với mục tiêu ban đầu đề ra là trong tháng 8/2022.

Gói thầu CP03 do liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella đảm nhận thi công với 4 km hầm ngầm, 4 nhà ga ngầm và dốc hạ ngầm. Theo hợp đồng ký kết ngày 30/10/2015, tổng thời gian thi công gói thầu là 49 tháng (từ ngày 6/2/2017 – 6/3/2021). Tổng giá trị gói thầu là hơn 6.500 tỉ đồng sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng phát triển châu Á.

Để phục vụ thi công gói thầu, chủ đầu tư đã bàn giao từng phần mặt bằng cho nhà thầu CP03 triển khai thi công tại 6/6 vị trí công trường chính. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp khó khăn bởi các hộ dân bị ảnh hưởng khi thi công tuyến ngầm. Công tác bàn giao mặt bằng kéo dài, đến tháng 8/2021, nhà thầu CP03 có thông báo tạm dừng thi công. Khi ấy, khối lượng thi công mới đạt khoảng 32%.

Ngày 30/10/2021, nhà thầu có thông báo chấm dứt hợp đồng. Nhà thầu cũng kèm theo điều kiện để quay trở lại thi công với nội dung chủ yếu là yêu cầu bàn giao toàn bộ công trường và thanh toán tạm cho nhà thầu một khoản 70 triệu USD (khoản tiền này sau đó sẽ được khấu trừ căn cứ vào kết quả phân xử của Ban xử lý tranh chấp cho các khiếu nại của nhà thầu).

Chủ đầu tư đã có các văn bản phản đối việc tạm dừng thi công, chấm dứt hợp đồng của nhà thầu, đồng thời tổ chức cuộc họp với đại diện cấp cao của nhà thầu vào ngày 25/2/2022. 

Phía nhà thầu cho rằng muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng chủ đầu tư cần xử lý 3 vấn đề chính là: Cung cấp quyền tiếp cận toàn bộ công trường để chấm dứt tình trạng chậm trễ về mặt bằng; Gia hạn thời gian thực hiện và thanh toán tạm chi phí bổ sung kéo dài thời gian thực hiện theo yêu cầu của nhà thầu.

Tại cuộc họp ngày 5/8/2022 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã thống nhất cung cấp quyền tiếp cận công trường cho các phần mặt bằng còn lại muộn nhất vào ngày 30/9/2022 và thống nhất chủ trương gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng. Đồng ý để chủ đầu tư thanh toán chi phí bổ sung do chậm trễ ngày khởi công với giá trị thanh toán theo quyết định của Ban xử lý tranh chấp.

Đối với chi phí bổ sung khác, UBND TP. Hà Nội yêu cầu nhà thầu làm việc cụ thể với chủ đầu tư, Tư vấn dự án và cung cấp các bằng chứng làm cơ sở để các bên xem xét, thương thảo.

Trong chuyến thị sát đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo "khẩn" về tiến độ dự án. Trong đó, nghiên cứu, tìm giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Chủ đầu tư dự án metro đoạn Nhổn - ga Hà Nội là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB). Tổng vốn đầu tư dự án sau điều chỉnh là 1.176 triệu euro, trong đó, vốn vay ODA gần 959 triệu euro, vốn đối ứng trong nước khoảng 218 triệu euro.

Đến thời điểm hiện tại, tiến độ toàn dự án đạt khoảng 75,1%, trong đó đoạn trên cao đạt 96,3%, đoạn ngầm "dậm chân" đạt tiến độ 33%.

Xem thêm

TP. HCM sẽ có 10 khu đô thị dọc tuyến Metro số 1

TP. HCM sẽ có 10 khu đô thị dọc tuyến Metro số 1

Sắp tới, dọc tuyến xa lộ Hà Nội dự kiến phát triển các khu đô thị mới với mật độ dân cư đông, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Tuyến Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP. HCM có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...