Thống đốc vẫn muốn cấm kinh doanh vàng tài khoản

“Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gọi điện cho tôi, và đề nghị vẫn cấm kinh doanh vàng tài khoản”... Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết trong phiên họp sáng 3/10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Thống đốc vẫn muốn cấm kinh doanh vàng tài khoản
 
Hiếm có báo cáo thẩm tra nào dài đến 17 trang như báo cáo thẩm tra về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 được bà Nga trình bày tại đây.
Liên quan đến đề xuất bãi bỏ điều 292 về tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông bà Nga cho biết đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra tán thành. Tờ trình của Chính phủ chỉ nêu bãi bỏ, nhưng bản thuyết minh chi tiết trong hồ sơ dự án luật thì nêu lý do bãi bỏ điều 292 rất chi tiết và rất thuyết phục, bà Nga nói thêm.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị giữ lại và đưa vào các chương tương ứng quy định hành vi cấm kinh doanh vàng tài khoản, kinh doanh đa cấp bất chính… trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đồng thời sửa đổi lại cấu thành: mức thu lợi bất chính, doanh thu… cho phù hợp. Bà Nga cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trực tiếp đề nghị giữ lại quy định cấm kinh doanh vàng trên tài khoản.
Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đều đề nghị giữ lại quy định với kinh doanh vàng tài khoản và kinh doanh đa cấp ở điều 292, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết thêm.
Cũng đồng ý với lập luận thuyết phục của Chính phủ về lý do bãi bỏ điều 292, song Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng cần giữ lại hai hành vi là kinh doanh vàng trên tài khoản và kinh doanh đa cấp bất chính vì nguy hiểm cho xã hội cần tiếp tục đấu tranh.
Nhấn mạnh “cơn ác mộng đa cấp” ở các vùng quê nghèo đã khiến cử tri kiến nghị kéo dài, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải tha thiết đề nghị giữ nguyên quy định cấm đối với bán hàng đa cấp trên mạng tại bộ luật.
Cùng với bãi bỏ điều 292, nhiều nội dung Chính phủ muốn sửa đổi, bổ sung cũng nhận được sự tán thành của cơ quan thẩm tra. Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp tán thành với việc cần có quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại để bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn như Chính phủ trình.
Tuy nhiên, đối với trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự khi “pháp nhân thương mại tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước thừa nhận” thì chưa đảm bảo tính nghiêm minh.
Nhất là trong điều kiện pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, môi trường đang có xu hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng như hiện nay. Đồng thời, cũng không đảm bảo công bằng về chính sách hình sự đối với cá nhân vì theo quy định tại
Điều 84 thì tình tiết “tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong khi đó, cũng chỉ với tình tiết này pháp nhân thương mại lại có thể được miễn trách nhiệm hình sự là bất hợp lý.
Đề xuất lấy lại dấu hiệu “bỏ trốn” quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 vào cấu thành cơ bản của tội lạm dụng tín nhiệm tài sản của Chính phủ cũng được Uỷ ban Tư pháp nhất trí. Song, cũng có ý kiến cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung dấu hiệu “đến hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” là đã đầy đủ, nên không cần phải quy định dấu hiệu “bỏ trốn” vào cấu thành cơ bản của điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

* Điều 292. Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông

1. Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:

a) Kinh doanh vàng trên tài khoản;

b) Sàn giao dịch thương mại điện tử;

c) Kinh doanh đa cấp;

d) Trung gian thanh toán;

đ) Trò chơi điện tử trên mạng;

e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên hoặc có doanh thu 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Nguyễn Lê/VnEconomy

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...