Thủ tướng: Tuyến đầu tiên của cao tốc Bắc-Nam phía Đông phải là hình mẫu

Ngày 16/9, tại Quảng Trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự, phát lệnh khởi công xây dựng dự án tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn, dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Thủ tướng: Tuyến đầu tiên của cao tốc Bắc-Nam phía Đông phải là hình mẫu

Thủ tướng cho rằng, công trình phải là hình mẫu, tránh biểu hiện tiêu cực mà một số công trình khác vấp phải. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam là công trình quan trọng quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và được bố trí vốn với 11 dự  án thành phần trong đó tuyến Cam Lộ-La Sơn qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có chiều dài gần 100 km, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của đường cao tốc Bắc-Nam mà đến nay chúng ta đã xây dựng được gần 1.000 km. Dự kiến hết năm 2021, sẽ có thêm 900 km được xây dựng và trong giai đoạn 2021-2025, chúng ta phấn đấu có ít nhất 2.000 km cao tốc để đến năm 2025, cả nước có ít nhất 4.000 km cao tốc kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Đường cao tốc quốc gia có vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp vào phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, “có cao tốc, chúng ta sẽ giảm chi phí, nhất là chi phí lao động, sản phẩm, tạo điều kiện cho cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng”.

Thủ tướng cho biết, chúng ta sẽ có 4 tuyến giao thông quan trọng dọc theo đất nước. Trước hết là Quốc lộ 1 đang tiếp tục được nâng cấp, tuyến thứ 2 là đường Hồ Chí Minh, tuyến thứ 3 là cao tốc Bắc-Nam và thứ 4 là tuyến đường ven biển. Làm được 4 tuyến này, cùng với đường sắt tốc độ cao sẽ được trình Trung ương và Quốc hội xem xét thì sẽ tạo nên hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy ở Việt Nam, là điều kiện quan trọng để đưa đất nước phát triển.

Riêng tuyến Cam Lộ-La Sơn, theo Thủ tướng, đây là cú hích quan trọng đối với tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tạo thuận lợi, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa hai tỉnh, vốn được xem là rất khó khăn như câu ca dao "Thương em anh cũng muốn vô/sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang".

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan, sự cố gắng của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã thúc đẩy mạnh mẽ để có lễ khởi công hôm nay cũng như các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã tích cực vận động nhân dân di dời để nhường đất cho dự  án. Thủ tướng lưu ý chính quyền địa phương các cấp quan tâm chăm lo, tạo điều kiện cho người dân có chỗ sinh sống, sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. 

Lễ khởi công dự án hôm nay rất quan trọng nhưng chỉ là bước khởi đầu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, các nhà thầu cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với dự án, làm đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình.

“Đầu tiên, chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản” mà biểu hiện là ăn cắp vật tư, vật liệu thi công để hạ định mức trên một đơn vị diện tích, làm cho đường bị chất lượng xấu, bán thầu B thành B phẩy, B hai phẩy, thậm chí B ba phẩy. Mỗi lần như vậy chi phí hoa hồng rất lớn. Những đơn vị thi công không có năng lực, không thực hiện đúng quy định, thiết kế, là một nguyên nhân dẫn tới chất lượng công trình yếu kém.

Thủ tướng cũng lưu ý, không để xảy ra tình trạng các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát thông đồng cùng với sự buông lỏng, tiêu cực của chủ đầu tư, hoặc chủ đầu tư bị mua chuộc, không phát hiện ra các quy trình, việc làm sai, dẫn tới rút ruột công trình, làm công trình hư hỏng, xuống cấp nhanh sau khi thi công. Tất cả các biểu hiện trên sẽ khiến công trình sử dụng sau ít năm đã xuống cấp hoặc nứt nẻ, ổ gà, ổ trâu. “Làm như vậy là chúng ta có tội, có lỗi với nhân dân”, Thủ tướng nói.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu công trình quan trọng mở đầu này cũng như toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, quản lý dự án đúng quy định. “Nếu đơn vị nào làm sai, quản lý sai, thông đồng thì phải xử lý nghiêm khắc nhất theo quy định và phải được thường xuyên kiểm tra, đôn đốc”.

Thủ tướng yêu cầu đây phải là công trình mẫu mực, hình mẫu, làm gương cho các dự án khác, không để xảy ra tình trạng chất lượng xấu, dễ hư hỏng như một số công trình vấp phải thời gian qua.

Nêu rõ tỉnh Quảng Trị là nơi hàng vạn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, Thủ tướng nhấn mạnh, “lương tâm, trách nhiệm, tình cảm chúng ta càng phải làm tốt hơn nữa những công trình của đất nước, để lại mãi mãi cho con cháu đời sau”.

Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục hoàn thành thủ tục để triển khai xây dựng các dự án thành phần còn lại (gồm 2 dự án đầu tư công: Đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2; và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) loại Hợp đồng BOT, theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Nhấn mạnh tinh thần mặt bằng đến đâu, khởi công đến đó, Thủ tướng yêu cầu, không chỉ tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mà các địa phương có công trình đi qua thì bí thư, chủ tịch phải trực tiếp chỉ  đạo công tác giải phóng mặt bằng để công trình khởi công đồng bộ.

Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…