Phát biểu khai mạc hội nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, là năm ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động cộng hưởng bởi những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới và trong nước. Kinh tế toàn cầu chứng kiến lạm phát gia tăng, giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao, Fed và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đều thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh, mạnh, khiến lãi suất thế giới và USD tăng cao.
Ngoài ra, ở trong nước, sau đại dịch Covid-19, sản xuất kinh doanh phục hồi nhưng vẫn còn khó khăn; thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đều khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm đã tạo áp lực rất lớn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, một loạt bài toán khó đặt ra cho ngành ngân hàng.
Thứ nhất, làm thế nào để điều hành chính sách tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống trong khi một số chỉ tiêu tiền tệ như tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP đã đang ở ngưỡng cảnh báo.
Thứ hai, làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Hoa kỳ…
Thứ ba, làm thế nào ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống khi chịu tác động bởi sự cố SCB và niềm tin thị trường suy giảm.
Theo Thống đốc, trong bối cảnh khó khăn đó, ngành ngân hàng đã nhận được quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; sự phối chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, địa phương; sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân; sự vào cuộc trách nhiệm của các đơn vị trong hệ thống từ ngân hàng trung ương đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cùng các tổ chức tín dụng.
Nhìn chung, năm 2022 ngành ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô như góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,2%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (khoảng 8%); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định (VND đến ngày 27/12 mất giá khoảng 3,8%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, mức biến động này thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực. Trong báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ Tháng 11/2022, Việt Nam đã ra khỏi danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
“Kết quả năm 2022 cho thấy sự ứng phó linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình, cân nhắc thời điểm, liều lượng phù hợp của từng công cụ, giải pháp đã có thể hóa giải các bài toán khó nêu trên”, Thống đốc nhấn mạnh
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nhà nước Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2022; đánh giá cao toàn ngành Ngân hàng đã đoàn kết, nỗ lực cố gắng, phối hợp, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế; đồng thời chỉ rõ, năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra cho cả giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030.
Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Lạm phát dự báo tiếp tục chịu nhiều áp lực khi kinh tế trong nước phục hồi và giá hàng hóa thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ năm 2023.
Theo Thủ tướng, mục tiêu cao nhất đối với ngân hàng năm nay và những năm tiếp theo là phải đảm bảo được an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống và đảm bảo được công khai, minh bạch, phát triển an toàn lành mạnh và đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan, đảm bảo thanh khoản thông suốt trong bất cứ trường hợp nào.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tăng cường năng lực phân tích, dự báo, tham mưu kịp thời, ứng phó linh hoạt với diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.
“Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Ngân hàng trong năm 2023 và thời gian tới là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó"- Thủ tướng nhấn mạnh và thay mặt Chính phủ chúc toàn ngành năm mới khí thế mới, niềm tin mới, thắng lợi mới.