Tội phạm công nghệ nhắm vào ngân hàng

Sáng nay 8/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” nhằm đánh giá tình hình an ninh, an toàn trong th
Tội phạm công nghệ nhắm vào ngân hàng
Sáng nay 8/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” nhằm đánh giá tình hình an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ tại Việt Nam.

Từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn an ninh trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông và các ngân hàng thương mại, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tại 64 điểm cầu trực tuyến.

Theo NHNN, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, các phương thức thanh toán đã thay đổi nhanh chóng và đa dạng từ thanh toán tiền mặt là chủ yếu sang các phương tiện thanh toán hiện đại sử dụng hoàn toàn công nghệ tồn tại trên môi trường mạng như ví điện tử, internet banking, mobile banking hay thẻ phi vật lý…

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vượt bậc như nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm chi phí, các dịch vụ thanh toán điện tử hay thanh toán thẻ nói chung cũng tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng và cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ khi phải đối mặt với các loại hình tội phạm công nghệ cao cùng phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Hệ thống tài chính, ngân hàng, trong đó xương sống là hệ thống thanh toán là hệ thống rất quan trọng và nhạy cảm của nền kinh tế, đã và đang là đích ngắm hàng đầu của các đối tượng phạm tội công nghệ cao.

Qua theo dõi, giám sát hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ trong thời gian vừa qua, NHNN đã nhận thấy các sự cố rủi ro và gian lận với phương thức và thủ đoạn mới xuất hiện tại Việt Nam. Nếu như trước đây, các vụ việc gian lận phát sinh chủ yếu đối với thẻ quốc tế và đối tượng tội phạm người nước ngoài thì hiện nay các vụ việc gian lận đã chuyển hướng sang cả đối với thẻ nội địa và hệ thống ATM/POS tại Việt Nam.

“Tuy nhiên, qua thống kê, đánh giá và so sánh với các nước trên thế giới, có thể thấy rằng hệ thống thanh toán của Việt Nam hiện nay vẫn được đảm bảo an toàn, với số lượng, tỷ lệ sự cố và vụ việc gian lận xảy ra ít, chỉ là hy hữu. Tuy vậy, hệ thống ngân hàng không chủ quan, không xem nhẹ, không lơ là với tình hình và xu hướng tội phạm công nghệ cao như hiện nay” - đại diện NHNN nhận định.

Thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu khẳng định, việc quản lý và kiểm soát rủi ro trong hoạt động thanh toán nói chung và thanh toán điện tử nói riêng đã và đang được NHNN chỉ đạo sát sao cùng với sự tuân thủ, phối hợp chặt chẽ của các ngân hàng thương mại, các tổ chức thẻ quốc tế, công ty chuyển mạch thẻ, các tổ chức trung gian thanh toán và các bên có liên quan. Trong trường hợp có sự cố xảy ra, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải phối hợp chặt chẽ với với các cơ quan chức năng để sớm thông tin đến khách hàng. Tổ chức, cá nhân nào sai phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, ngân hàng luôn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Tại hội nghị, đại diện Cục C50 Bộ Công an đánh giá, hiện nay hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ của các ngân hàng Việt Nam đảm bảo an toàn. Đối với những vụ việc hy hữu xảy ra, các đối tượng chủ yếu lợi dụng sơ hở phía người sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. C50 khẳng định sẽ thường xuyên phối hợp với các ngân hàng trong việc trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán điện tử và thông báo các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên thế giới và tại Việt Nam.

Theo SGGP

Có thể bạn quan tâm

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ chính thức không còn áp dụng Thông tư 02 khi văn bản này hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhiều nghi vấn đặt ra rằng điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong tương lai hay không...