Trên 2.500 website tên miền quốc gia Việt Nam bị tấn công

Các tháng đầu năm 2019, đã phát hiện trên 2.500 trang tin, cổng thông tin điện tử tên miền quốc gia Việt Nam bị tấn công; hàng trăm ngàn máy tính bị nhiễm mã độc.
Trên 2.500 website tên miền quốc gia Việt Nam bị tấn công

Hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu của Chính phủ, các Bộ, ngành và các tổ chức, tập đoàn kinh tế, tài chính

Thông tin này đã được Đại tá Đỗ Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an đưa ra tại sự kiện Security World 2019 diễn ra ngày 29/5, tại Hà Nội.

Theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, thời gian qua, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều nguy cơ, thách thức trên không gian mạng, trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Nhất là trong thời gian gần đây, theo ông Tuấn, hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu của Chính phủ, các Bộ, ngành và các tổ chức, tập đoàn kinh tế, tài chính tiếp tục diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm.

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, mỗi năm có hàng nghìn trang mạng của Việt Nam bị tin tặc tấn công nhằm đánh cắp thông tin, chiếm quyền điều khiển, thay đổi, chèn nội dung, cài cắm mã độc… Riêng các tháng đầu năm 2019, đã phát hiện trên 2.500 trang tin, cổng thông tin điện tử tên miền quốc gia Việt Nam bị tấn công; hàng trăm ngàn máy tính bị nhiễm mã độc. Việt Nam đang xếp thứ 4 trong Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma botnet, bị tin tặc sử dụng làm bàn đạp để tấn công nước khác.

Đại tá Đỗ Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an. Ảnh: Ictnews.vn

“Hệ thống thông tin quan trọng của các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp tài chính ngân hàng… tiếp tục là mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc, trong đó đã phát hiện nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào Sở giao dịch chứng khoán, các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước…”, ông Tuấn nêu.

Nguyên nhân của tình trạng trên được ông Tuấn lý giải là do công tác bảo mật dữ liệu và bảo vệ bí mật nhà nước tại nhiều cơ quan, đơn vị của các bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, đầu tư trang thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh mạng chưa tương xứng với thực tại và tương lai.

Để khắc phục tình trạng trên, đại diện A05 – Bộ Công an khuyến nghị, các cơ quan, tổ chức chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin mạng; tăng cường các biện pháp bảo mật dữ liệu, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp bảo vệ an toàn, an ninh mạng phù hợp.

Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa cơ quan nhà nước với các đối tác thuộc khu vực tư nhân, nhất là các doanh nghiệp sở hữu và vận hành hạ tầng CNTT, các nhà cung cấp dịch vụ công, cung cấp nội dung trên Internet, các nhà nghiên cứu và sản xuất nhưng giải pháp bảo mật… để huy động tiềm lực và sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo mật dữ liệu và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

“Đặc biệt, cần nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo mật dữ liệu và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, trước hết là ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng để tạo quy tắc ứng xử trên không gian mạng của mỗi tổ chức, cá nhân, hình thành hành lang pháp lý, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng”, đại diện A05 - Bộ Công an đề xuất.

Có thể bạn quan tâm