Cụ thể, ngày 21/3, tại Hội nghị Gặp mặt giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các Bộ/ngành, doanh nghiệp của 2 nước Việt Nam – Lào diễn ra tại Thủ đô Vientiane (Lào), Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn Phongsubthavy đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực NLTT. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Lào với tổng công suất khoảng 2.500 MW hướng tới bán điện về Việt Nam.
T&T Group sẽ phối hợp cùng Phongsubthavy để phát triển các dự án theo quy định pháp luật hiện hành của hai nước; trực tiếp tham gia vào các giai đoạn phát triển dự án như khảo sát, đánh giá, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn công nghệ, xây lắp, tư vấn… nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo hiệu quả của dự án. Cũng theo thỏa thuận, T&T Group sẽ là đầu mối kết nối các nguồn vốn tài trợ cạnh tranh, ưu đãi cho các dự án NLTT thông qua tất cả các nguồn cần thiết như cơ quan tín dụng xuất khẩu, cơ quan đa phương và các ngân hàng thương mại…
Chia sẻ về hướng đi mới này, đại diện Tập đoàn T&T Group cho biết, để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư phát triển công suất các nguồn điện đạt khoảng 12.000-15.000 MW, T&T Group đã quyết định bắt tay với Phongsubthavy, một trong những tập đoàn năng lượng hàng đầu của Lào để nghiên cứu, đầu tư các dự án năng lượng tại Lào, hướng tới bán điện sang Việt Nam.
“Việc đồng hành cùng với một đối tác lớn tại Lào giúp chúng tôi có thể nắm bắt nhanh chóng các quy trình, quy định của pháp luật và chính sách năng lượng của Lào, thuận lợi hơn trong việc lựa chọn các dự khả thi và hiệu quả để nhanh chóng triển khai kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của T&T Group trong lĩnh vực năng lượng”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group, việc hợp tác giữa T&T Group và Phongsubthavy góp phần khai thác tiềm năng NLTT rất lớn của Lào, đồng thời hiện thực hóa quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai Chính phủ Việt – Lào trong lĩnh vực năng lượng; qua đó thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Từ đầu năm 2016, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác đầu tư các dự án thuỷ điện tại Lào, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào. Năm 2019, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định về Hợp tác Phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ. Theo đó, Việt Nam sẽ nhập khẩu điện từ Lào với công suất từ 3.000-5.000 MW trong giai đoạn 2020-2030 để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo tính toán của EVN, năm 2022, khu vực miền Bắc dự kiến sẽ thiếu khoảng 1.500-2.400 MW điện trong một số giờ cao điểm, thời tiết cực đoan, khi thuỷ điện cung ứng trên 45% điện cho khu vực này.
Trong khi đó, các nhà máy thuỷ điện đang gặp thách thức khi mực nước về các hồ thuỷ điện thiếu hụt so với các năm. Ước tính đến cuối tháng 12/2021, tổng lượng nước tích tại các hồ thuỷ điện miền Bắc đạt hơn 7,46 tỷ kWh, thiếu hụt 465 triệu kWh.
Trong khi đó, với điều kiện khí hậu và tự nhiên thuận lợi, Lào là quốc gia được đánh giá là có tiềm năng rất lớn các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió và điện mặt trời... có thể khai thác quy mô công suất lớn vừa để đáp ứng đủ nhu cầu điện trong nước cho phát triển dân sinh – kinh tế và có tiềm năng cao để liên kết lưới điện, xuất khẩu điện sang các nước láng giềng trong đó có Việt Nam, đặc biệt là các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo nằm dọc Biên giới 2 nước Việt - Lào.