VCCI nêu rõ: Theo quy định tại Nghị định 83/2014 của Chính phủ quy định về quản lý xăng dầu thì “trên cơ sở nhu cầu định hướng về xăng dầu nhập khẩu, thực tế tiêu thụ nội địa năm trước liền kề và đăng ký của thương nhân, Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân có giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan hải quan”.
Như vậy, có thể hiểu là đối với sản phẩm xăng dầu, Nhà nước quản lý bằng phương thức sử dụng mệnh lệnh hành chính buộc doanh nghiệp (DN) phải nhập khẩu một số lượng xăng dầu tối thiểu hằng năm. Suy đoán mục tiêu của phương thức quản lý này là nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.
Theo VCCI, trên thực tế, phương thức này có thể là thích hợp trong bối cảnh trước đây khi số lượng đầu mối xăng dầu hạn chế, chỉ ở một số ít DN theo chỉ định của Bộ Công Thương và thị trường luôn hiện hữu nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nếu các DN này cố ý nhập khẩu ít để tạo khan hiếm trên thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu đã được quản lý theo cơ chế mở, vấn đề nguồn cung, nhu cầu của người tiêu dùng thuần túy là vấn đề của thị trường. Nếu nhu cầu của thị trường tăng cao, DN sẽ nhập khẩu xăng dầu với số lượng lớn để đáp ứng và ngược lại. Như vậy, nguồn cung của xăng dầu sẽ dựa vào quy luật của thị trường quyết định.
Từ phân tích trên, VCCI đề nghị bỏ quy định về hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hằng năm do Bộ Công Thương phân giao. Song song đó, biện pháp quản lý không thể là tiếp tục áp dụng cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp như trước mà phải là giảm bớt các điều kiện kinh doanh để nhiều chủ thể kinh doanh có thể tham gia vào hoạt động nhập khẩu xăng dầu, qua đó đảm bảo nguồn cung trên thị trường; sử dụng triệt để công cụ quản lý cạnh tranh (pháp luật cạnh tranh) để kiểm soát hoạt động của các DN này.