Vì sao NHNN phải nhắc nhở các ngân hàng về tăng trưởng tín dụng?

Việc NHNN nhắc nhở các TCTD về việc kiểm soát tín dụng không phải là lần đầu, hầu như mấy năm gần đây đều có. Điều đáng nói ở đây là tính thời điểm, tại sao NHNN lại chọn thời điểm này để nhắc nhở?
Vì sao NHNN phải nhắc nhở các ngân hàng về tăng trưởng tín dụng?

Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gửi công văn đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) về việc thực hiện quy định về lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên.

Công văn trên có một số nội dung đáng chú ý. Thứ nhất, TCTD phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được NHNN thông báo, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với doanh nghiệp được đánh giá có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Thứ hai, các TCTD cần chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nhu cầu vốn đối với lĩnh vực ưu tiên.

Thứ ba, trường hợp khách hàng đủ điều kiện theo quy định và thuộc lĩnh vực ưu tiên, có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thì TCTD phải áp dụng lãi suất cho vay đối với khách hàng này theo đúng quy định tại Quyết định số 1425/QĐ-NHNN ngày 07/7/2017 của Thống đốc NHNN.

Việc NHNN nhắc nhở các TCTD về việc kiểm soát tín dụng không phải là lần đầu, hầu như mấy năm gần đây đều có. Điều đáng nói ở đây chỉ là tính thời điểm, tại sao NHNN lại chọn thời điểm này để nhắc nhở.

"Xâu chuỗi lại các nội dung trên có thể thấy NHNN đang có một số bận tâm và cân nhắc chính sách, cần sự phối hợp của các TCTD để đạt được mục tiêu chính sách vĩ mô của NHNN nói riêng và của Chính phủ nói chung.

Trước tiên, cần nói đến mặt bằng lãi suất tại các TCTD. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, rủi ro mới từ chiến tranh thương mại đến chiến tranh tiền tệ và tăng trưởng kinh tế có khả năng chậm lại, trong khi tỷ giá VND/USD và lạm phát trong nước đang chịu áp lực gia tăng, sẽ là rất khó cho NHNN thực hiện việc giảm lãi suất, nếu không muốn nói là ngược lại. Điều này có nghĩa là NHNN có khả năng phải thắt chặt hơn chính sách tiền tệ để giảm bớt rủi ro vĩ mô, bảo vệ tỷ giá và kiềm chế lạm phát.

Trong thời gian tới, cung tiền và, do đó, tăng trưởng tín dụng chung sẽ phải giảm tốc đáng kể so với trước đây. Trước khả năng này, nếu các TCTD vẫn tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của riêng mình thì tất yếu sẽ dẫn đến các cuộc đua lãi suất mới, do nguồn cung tín dụng đã bị thắt chặt hơn.

Cần lưu ý rằng NHNN từ đầu năm đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD, và các TCTD phải thực hiện nghiêm, không được đẩy tăng trưởng tín dụng quá chỉ tiêu này. Nhưng chỉ tiêu tăng trưởng này không thể hạn chế hoàn toàn cuộc đua lãi suất được. Bởi, với những TCTD nhỏ, yếu kém, dù chỉ để lấp đầy hạn mức tăng trưởng tín dụng khiêm tốn hơn các TCTD lớn, lành mạnh hơn, họ cũng sẽ tất yếu phải cạnh tranh bằng việc nâng lãi suất huy động lên cao hơn đối thủ để có nguồn tài trợ cho tăng trưởng tín dụng của mình.

Do đó, NHNN có lý do khi nhắc nhở các TCTD kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn của mình, không để xảy ra các cuộc đua lãi suất, không chỉ đẩy mặt bằng lãi suất lên cao hơn mức chịu đựng của doanh nghiệp, mà còn tạo ra các rủi ro khác như chất lượng tín dụng suy giảm, nợ xấu gia tăng v.v...

Về phía TCTD, việc bị NHNN nhắc nhở phải tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh có thể được diễn giải rằng NHNN đang lo ngại về khả năng thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng lên sẽ làm cho các TCTD tập trung cho vay quá mức vào những lĩnh vực có lợi nhuận cao, nhất là những lĩnh vực có tính đầu cơ như bất động sản và chứng khoán. Còn những lĩnh vực ưu tiên thì tuy là rất cần, rất có ý nghĩa với nền kinh tế nhưng đáng tiếc thường không phải là những lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao và sẵn sàng trả lãi cao cho các TCTD như với các lĩnh vực có tính đầu cơ này.

Do đó, với công văn nhắc nhở nói trên, NHNN kỳ vọng rằng các TCTD trong hoàn cảnh mới dù có nhiều khó khăn và thách thức hơn vẫn sẽ tiếp tục và cần phải "chung lưng đấu cật" với các doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội, chứ không mải mê chạy theo lợi nhuận.

Cuối cùng, và liên quan đến điều trên, là việc NHNN "trói" các TCTD bằng giới hạn về lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa với khách hàng đủ điều kiện theo quy định và thuộc lĩnh vực ưu tiên. Như đã nói, các lĩnh vực ưu tiên và khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên và đủ điều kiện vay thường không phải là lĩnh vực ưa thích của các TCTD nếu nhìn từ góc độ lợi nhuận. 

Cụ thể hơn về lãi suất ưu đãi này, theo Quyết định số 1425/QĐ-NHNN ngày 07/7/2017 của Thống đốc NHNN, các TCTD (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tín dụng vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 6,5%/năm. Mức lãi suất tối đa này là thấp hơn 0,5 điểm phần trăm như được quy định trong Quyết định số 277/QĐ-NHNN ngày 3/3/2017, là Quyết định được thay thế bởi Quyết định số 1425.

Như vậy bằng công văn trên, NHNN không những yêu cầu các TCTD phải cho vay các khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên mà còn phải cho vay với lãi suất ưu đãi. Tôi cho rằng, dẫu NHNN có những lý do chính đáng để yêu cầu như vậy nhưng sự can thiệp mang tính hành chính này cần phải được thay thế bằng những công cụ chính sách mang tính kinh tế hơn.

Theo TS Phan Minh Ngọc/Nhịp sống kinh tế

>> SHB triển khai gói tín dụng ưu đãi 4.000 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...