Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với đường có nguồn gốc từ Thái Lan

Đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có nguồn gốc nguyên liệu của Thái Lan bị áp thuế chống lẩn tránh ở mức 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp 4,65%.

Theo quyết định được Bộ Công thương đưa ra vào ngày 1/8, mức thuế chống bán phá giá này sẽ được áp dụng từ 9/8/2022 đến 15/6/2026.

Trong thời gian này, trường hợp đường nhập khẩu từ 5 quốc gia trên chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại chính nước họ sẽ không bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh.

Tháng 6 năm ngoái, Bộ Công Thương đã áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía nhập trực tiếp từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm, với mức thuế suất tổng cộng 47,64% .

Theo tính toán, 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên gần 1,5 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), từ tháng 12/2021 đến nay, hoạt động mua bán đường nhập lậu tăng đột biến tại các khu vực biên giới Tây Nam.

Trên thị trường, mạng lưới phân phối đường nhập lậu hoạt động gần như công khai dưới hình thức đường đóng cây 12kg và đường đóng túi 1kg của các cơ sở sang chiết.

Đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập với giá rất rẻ do không phải đóng thuế phòng vệ thương mại 47,64% như đối với đường nhập khẩu chính ngạch. Hiện giá đường trắng nhập lậu vào nước ta chỉ ở mức 16.400-16.800 đồng/kg, tức thấp hơn giá đường vàng trong nước. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm