Nhìn lại quá trình đổi mới đất nước trong 30 năm qua, Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sau 30 năm đổi mới đất nước (1986-2016), vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đang phát triển rất mạnh.
Điều đó được thể hiện khi nước ta là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có tiếng nói và vai trò quan trọng ở nhiều tổ chức quốc tế như: Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức thương mại thế giới (WTO)...
Việt Nam cần thực hiện đổi mới đất nước lần thứ 2
Thưa Giáo sư, sau 30 năm đổi mới, đất nước ta vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ông có thể chỉ rõ hơn về những thách thức mà chúng ta đang phải đối diện?
Có thể nói, trong 30 năm đổi mới đất nước (1986-2016) là giai đoạn đất nước ta “thức tỉnh” thoát khỏi những khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, nếu chúng ta hài lòng với “đủ ăn, thoát khổ, thoát nghèo” thì sẽ tụt hậu so với sự phát triển của thế giới.
Để đất nước ngày càng phát triển thì Việt Nam cần thực hiện một cuộc đổi mới đất nước lần thứ 2 nên phải “đủ tầm, đủ lực, đủ trí”. Thế nhưng, đất nước ta đang phải đối diện với nhiều thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao có thể thích ứng với những biến động khôn lường, không thể tính trước được đang diễn ra trên thế giới hiện nay.
Ví dụ như sự biến động của việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), một người mà ngay cả nước Mỹ không ngờ thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ điều hành đất nước này và có thể ảnh hưởng tới thế giới ra sao; hay như một cuộc khủng hoảng có thể ập đến bất cứ lúc nào...
Đó là chưa kể trong lúc này, việc giành giật lợi ích từ bên ngoài theo xu hướng “dân tộc chủ nghĩa” đang diễn ra khắc nghiệt. Sau năm 1975, nước ta tưởng rằng sẽ sống trong hòa bình và tự do nhưng đến nay, chúng ta phải đối mặt với những tham vọng bành trướng, xâm phạm, lấn chiếm vùng biển, lãnh thổ nước ta.
Còn ở trong nước, chúng ta đang phải đối mặt với vấn nạn tham nhũng, lợi ích nhóm đang diễn ra tương đối phổ biến và việc xứ lý những vấn đề này không hề đơn giản. Đây là những thử thách đòi hỏi đất nước ta phải có sự vươn lên mạnh mẽ, giống như đã từng thực hiện cuộc cải cách đổi mới đất nước năm 1986.
Vì vậy, để giữ vững nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và vùng biển, nước ta cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tri thức, nhân tài ưu tú, có “tầm và tâm”...
Bất kỳ ai phải coi lợi ích dân tộc lên trên hết
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vạch ra 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo Giáo sư, mỗi đảng viên và rộng hơn là mỗi người dân, thế hệ trẻ cần hiểu rõ và khắc phục, chống lại những biểu hiện trên như thế nào để xây dựng đất ngày càng vững mạnh?
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vạch ra 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây là những bước tiến trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam và có lẽ đây là lần đầu tiên, chúng ta chỉ ra những thực trạng đáng lo ngại một cách cụ thể; giúp cho mọi người có thể nhìn thấy ở chính mình và những người khác những biểu hiện trên.
Tất cả người dân, đặc biệt là mỗi đảng viên phải căn cứ vào những điều đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII là bất kỳ ai phải coi lợi ích dân tộc lên trên hết. Chúng ta đang đứng ở đâu trước vận mệnh và lợi ích dân tộc. Khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, chúng ta phải đưa vấn đề này vào để người dân cùng soi rọi và áp dụng.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo VOV NEWS