Trong hành trình Việt Nam thực hiện cam kết lớn trong lịch sử phát triển, thị trường carbon nổi lên như một công cụ thiết yếu, giúp Việt Nam vừa kiểm soát phát thải, vừa huy động nguồn lực tài chính quan trọng. Tuy nhiên, để thị trường này phát huy tối đa vai trò của mình, nước ta cần phải vượt qua nhiều rào cản, đặc biệt là những hạn chế về năng lực và thể chế.
THỊ TRƯỜNG CARBON: ĐÒN BẨY KIỂM SOÁT PHÁT THẢI
TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh tại “Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới”, Việt Nam đang khẩn trương triển khai 5 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó, phát triển thị trường carbon được xem là một trong những động lực then chốt.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thực hiện cam kết Net Zero, phác thảo lộ trình với 5 nhóm giải pháp chính. Chuyển đổi năng lượng là trọng tâm, đòi hỏi giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.
Theo ông Tuấn Quang, điểm nhấn của Diễn đàn Net Zero 2025 chính là tầm quan trọng của định giá carbon và phát triển thị trường carbon. “Với hơn 80 quốc gia đã áp dụng cơ chế này, định giá carbon bao gồm thuế carbon và thị trường carbon đã chứng minh hiệu quả trong việc kiểm soát khoảng 28% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Quy mô giao dịch carbon toàn cầu lên tới 152 tỷ USD, cho thấy tiềm năng kinh tế to lớn của lĩnh vực này”, ông Quang dẫn chứng.
Việt Nam, mặc dù không phải là nước tiên phong trong lĩnh vực này nhưng đã sớm tham gia các cơ chế giao dịch tín chỉ carbon quốc tế từ những năm 2000, như CDM (Cơ chế phát triển sạch) và JCM (Trao đổi tín chỉ carbon Việt Nam – Nhật Bản). Với khoảng 150 dự án đã được cấp và giao dịch 40,2 triệu tín chỉ carbon quốc tế, Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia có số lượng dự án CDM đăng ký nhiều nhất thế giới, minh chứng cho kinh nghiệm và tiềm lực đáng kể.
TS. Nguyễn Tuấn Quang cũng nhấn mạnh hai vấn đề cốt lõi khi phát triển thị trường carbon và giao dịch tín chỉ: Thứ nhất, mỗi loại tín chỉ carbon phải được tạo ra theo tiêu chuẩn và phương pháp tính toán cụ thể, đảm bảo minh bạch và tuân thủ quy định. Thứ hai, việc giao dịch các tín chỉ carbon phải được Nhà nước quản lý thống nhất để tránh những hệ lụy nghiêm trọng. Nếu không kiểm soát chặt chẽ việc bán tín chỉ ra nước ngoài, cam kết quốc gia về giảm phát thải có thể không đạt được.
Ngoài ra, việc đối mặt với các cơ chế như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu cũng là một thách thức lớn. Từ năm 2026, các mặt hàng xuất khẩu như sắt thép, xi măng sẽ bị áp hàng rào kỹ thuật liên quan đến phát thải carbon. Điều này càng khẳng định sự cần thiết của việc điều tiết và quản lý chặt chẽ giao dịch tín chỉ carbon để tránh những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và đảm bảo khả năng thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam.
ĐIỂM NGHẼN NĂNG LỰC VÀ HƯỚNG ĐI TƯƠNG LAI
Bên cạnh những cam kết mạnh mẽ và lộ trình rõ ràng, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nội tại trong việc phát triển thị trường carbon, đặc biệt là về năng lực nguồn nhân lực và khả năng tiếp nhận tài chính, công nghệ. Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Nông nghiệp và Môi trường, đây là điểm yếu lớn nhất của Việt Nam hiện nay, kéo dài từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.
Sự thiếu hụt năng lực tổng thể này đã và đang cản trở Việt Nam hình thành một thị trường carbon đúng nghĩa, với đầy đủ hệ thống vận hành, tổ chức, thành viên giao dịch và đặc biệt là hàng hóa carbon rõ ràng. Tình trạng hiện tại là sự manh mún, với một số nơi đã bắt đầu tạo ra tín chỉ carbon nhưng lại khó khăn trong việc giao dịch thực sự. Để những tín chỉ này có thể lưu thông, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa thị trường tự nguyện và thị trường tuân thủ, cũng như giữa thị trường trong nước và quốc tế.
Điểm nghẽn lớn nhất trong việc kết nối với thị trường quốc tế nằm ở Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris, yêu cầu phải có "thư ủy quyền" từ Chính phủ Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ phải đánh giá được tác động của các dự án tạo tín chỉ carbon đến việc thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Chỉ khi lượng tín chỉ carbon tạo ra là phần dư sau khi đã thực hiện cam kết NDC thì Việt Nam mới được phép bán ra quốc tế.
“Hiện tại, chúng ta vẫn chưa thực hiện được điều này, dẫn đến việc toàn bộ các dự án bán tín chỉ carbon quốc tế đều đang bị tạm dừng. Trong khi đó, các quốc gia lân cận như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và đặc biệt là Singapore đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển thị trường carbon, thậm chí Singapore còn đặt mục tiêu trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu”, PGS Thọ phát biểu.
Chính vì những hạn chế về nguồn nhân lực, năng lực tiếp nhận tài chính, công nghệ và khả năng quản lý thị trường, Việt Nam buộc phải tạm dừng và tiếp tục nghiên cứu thêm trước khi có thể chính thức vận hành thị trường carbon một cách độc lập và hiệu quả.
Một thách thức khác không kém phần quan trọng là sự thiếu hụt thông tin và kênh tiếp cận phù hợp cho người dân và các doanh nghiệp nhỏ muốn tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ khẳng định, đây là một câu chuyện của giáo dục và phổ cập kiến thức.
Trước hàng loạt thách thức lớn, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ đề xuất cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế, hiệp hội và viện nghiên cứu để xây dựng các nền tảng chung như website, phần mềm dùng chung nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin và công cụ cần thiết.
Đặc biệt, các công cụ MRV hiện có chi phí rất lớn, gần như không thể tiếp cận đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, cần có cơ chế chia sẻ công cụ, từ phần mềm đo lường – báo cáo – xác minh đến hệ thống đào tạo, truyền thông, phổ biến thông tin để người dân hiểu đúng về thị trường tín chỉ carbon.
Mặc dù khái niệm thị trường tín chỉ carbon đã được nhắc đến nhiều, nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa thực sự hiểu cách thức vận hành, ai là thành viên tham gia, và hàng hóa carbon thực sự được tạo ra như thế nào. Vì vậy, việc tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm, phát triển các nền tảng số hóa để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận các chuyên gia và nhận được thông tin chính xác, đáng tin cậy là điều cực kỳ cần thiết.
“Việc khắc phục những điểm yếu về năng lực và tăng cường phổ cập kiến thức sẽ là những bước đi quan trọng giúp Việt Nam vượt qua thách thức, khai thác tối đa tiềm năng của thị trường carbon, và vững bước trên lộ trình đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050”, PGS Nguyễn Đình Thọ khẳng định.