Vietcombank có thể chủ động tăng trưởng chậm lại vì áp lực huy động vốn

Triển vọng của Vietcombank rất tích cực, tuy nhiên, BSC cũng đưa ra khuyến nghị về rủi ro đầu tư. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất của Vietcombank cuối quý 1/2017 giảm còn 9,81%, áp lực huy đ
Vietcombank có thể chủ động tăng trưởng chậm lại vì áp lực huy động vốn

Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) vừa đưa ra báo cáo đánh giá về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Theo báo cáo, kết thúc quý 1/2017, tổng lợi nhuận sau thuế của Vietcombank đạt 2.206 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Cả năm 2017, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 8%.

BSC dự báo, lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Vietcombank sẽ đạt 10.830 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2016, dựa trên các giả định: cho vay tăng trưởng 18%, tỷ lệ nợ xấu năm 2017 là 1,48% và chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu năm 2017 giảm 31% còn 4.406 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh lõi, kết thúc quý 1/2017, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng 8,42%, tương đương hơn 1/2 kế hoạch tăng trưởng năm 2017.

BSC cho rằng, nếu các tỷ lệ an toàn của ngân hàng được duy trì và cải thiện, Vietcombank có thể xin Ngân hàng Nhà nước nới room tăng trưởng tín dụng trong năm 2017.

Đối với chất lượng tài sản, BSC đánh giá cao chất lượng tài sản và nỗ lực xử lý nợ xấu của Vietcombank. Tỷ lệ nợ xấu tính đến quý 1/2017 đạt 1,48%. Ngân hàng đã hoàn tất mua lại và trích lập dự phòng toàn bộ trái phiếu đặc biệt trong năm 2016.

Tổng tài sản nghi ngờ của Vietcombank, theo tính toán của BSC là 25.677 tỷ đồng, tương đương 51% vốn chủ sở hữu của ngân hàng, mức thấp nhất trong số các ngân hàng niêm yết.

Đồng thời, BSC cũng nhìn nhận, Vietcombank đã rất tích cực trích lập dự phòng trong các năm qua, quỹ dự phòng rủi ro nợ xấu/tổng nợ xấu đến cuối quý 1/2017 đạt 129%, tăng so với mức 117% của năm 2016. Đây cũng là mức cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết. Do vậy, BSC cho rằng, chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu của ngân hàng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, dự báo giảm 31% trong năm 2016 còn 4.406 tỷ đồng.

Trong năm 2017, Vietcombank dự kiến, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 6.000 tỷ đồng, xuất ngoại bảng khoảng 3.000 đến 4.000 tỷ đồng, đồng thời, thu hồi nợ ngoại bảng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Hiệu quả sinh lời cao cũng là điểm cộng đối với Vietcombank. ROA và ROE đạt lần lượt là 0,96% và 14,75%, cao nhất trong các ngân hàng niêm yết. Thu nhập lãi cận biên (NIM) tăng, đạt 2,67% vào quý 1/2017.

Theo BSC, lợi thế của Vietcombank là nguồn khách hàng lớn, huy động vốn với chi phí rẻ tương đối so với các ngân hàng hoạt động tại thị trường Việt Nam nhờ nguồn tiền gửi không kỳ hạn dồi dào (nguồn vốn có chi phí vốn thấp), chiếm đến 28% tổng cơ cấu tiền gửi, chỉ đứng sau Ngân hàng Quân đội (MB).

Thêm vào đó, trong khi hầu hết các ngân hàng đối mặt với việc suy giảm NIM, con số này của VCB đang có xu hướng tăng từ năm 2014 trở lại đây nhờ đẩy mạnh mảng khách hàng cá nhân và SMEs với NIM cao, đạt 3,7% trong năm 2016. Cộng thêm trong năm 2016, ngân hàng giải ngân khoảng 2 tỷ USD đầu tư trái phiếu Chính phủ với lợi suất cao.

Một yếu tố khác cũng khiến NIM của Vietcombank tăng là tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) tăng, giúp giảm chi phí vốn của ngân hàng. BSC cho rằng, NIM của ngân hàng sẽ được duy trì trong năm 2017, nhờ việc tiếp tục đẩy mạnh phân khúc ngân hàng bán lẻ và tăng LDR.

Mảng ngân hàng bán lẻ của Vietcombank được BSC đánh giá là mảng hoạt động được ngân hàng đầu tư mạnh và đem lại tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cao. Năm 2016, tăng trưởng huy động của khách hàng SMEs là 51%, khách hàng cá nhân là 18,6%; tăng trưởng tín dụng của 2 khối này đạt lần lượt là 39% và 51%, nâng tổng cơ cấu tín dụng khách hàng cá nhân và SME lên 35%, đạt khoảng 161.000 tỷ đồng.

So với hoạt động ngân hàng bán buôn, tỷ lệ nợ xấu của khách hàng bán lẻ thấp hơn (đạt 0,9% trong khi đó tỷ lệ nợ xấu toàn ngân hàng là 1,48%) trong khi đó NIM cao hơn (đạt 3,7% trong khi đó NIM của toàn ngân hàng là 2,63%.

Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng bán lẻ đạt 40% trong năm 2017, nâng tỷ trọng dư nợ bán lẻ lên 50% trong giai đoạn 2017-2020 từ mức 35% hiện tại. Từ đó, chất lượng nợ và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục cải thiện.

Triển vọng của Vietcombank là rất tích cực, tuy nhiên, BSC cũng đưa ra khuyến nghị về rủi ro đầu tư.

BSC nhận định, NIM của Vietcombank có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất cao để huy động vốn cấp 2 (năm 2016, VCB phát hành 8 nghìn tỷ đồng trái phiếu dài hạn với lãi suất bằng lãi suất bình quân kỳ hạn 1 năm của 4 NHTM Nhà nước cộng 1%), và giải ngân các gói cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn mức chung của thị trường.

Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất của Vietcombank cuối quý 1/2017 giảm còn 9,81%, áp lực huy động vốn có thể khiến ngân hàng chủ động tăng trưởng chậm lại.

 Theo Kình Dương/VNF

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...