Theo văn bản của NHNN, Vietcombank có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật; Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật, Vietcombank trình Thống đốc NHNN hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động.
Văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký, trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép, nếu ĐHĐCĐ của Vietcombank thông qua việc thay đổi phương án tăng vốn điều lệ đã được NHNN chấp thuận, văn bản này hết hiệu lực pháp lý.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, Vietcombank cho biết sẽ tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tỷ lệ 10% vốn điều lệ, tối đa không quá 10 nhà đầu tư. Giá bán căn cứ theo giá thị trường do công ty thẩm định giá tư vấn và xác định theo 10 phiên giao dịch gần nhất.
Hồi tháng 2/2018, hãng tin Nikkei của Nhật Bản dẫn lời ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank rằng quỹ GIC của Singapore là một trong những khách hàng tiềm năng trong đợt bán 10% vốn. Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Vietcombank với 15% cổ phần nắm giữ, sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng.
Để huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, Vietcombank ban đầu dự kiến sẽ hoàn thành chuyển nhượng 7,7% cổ phần cho GIC vào năm 2016. Tuy nhiên, thỏa thuận này không được chấp thuận do bất đồng ý kiến về giá mua bán. Nhà nước muốn giá phát hành không thấp hơn giá thị trường.
Cùng với Vietcombank, nhiều thông tin cho thấy BIDV và VietinBank cũng đang trong giai đoạn nước rút để tăng vốn. Trong đó, BIDV phát hành riêng lẻ để nâng vốn điều lệ lên 43.600 tỷ đồng.
>> Vietcombank đấu giá 45,6 triệu cổ phiếu EIB